Nông nghiệp sạch rất cần công nghệ mới

21/02/2019 - 07:48

 - 2 phát minh của Nhật Bản trong thời gian qua là công nghệ sục khí nano, công nghệ nano bioreactor giúp ngành nông nghiệp thế giới chuyển sang một giai đoạn phát triển mới.

Từ lĩnh vực ứng dụng

Áp dụng 2 công nghệ này vào sản xuất nông nghiệp, nhà nông sẽ có được sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe con người. Công nghệ giúp làm giảm chi phí, hạ giá thành sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng trên cùng một diện tích sản xuất, từ đó giúp sản phẩm của nông dân làm ra mang tính cạnh tranh trên thương trường. “2 công nghệ mà Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) mang từ Nhật Bản về Việt Nam là 2 phát minh được ứng dụng rất rộng rãi trong nền nông nghiệp thế giới. Ngoài xử lý môi trường nước trên các sông, hồ, kênh, rạch, nano bioreactor còn giúp xử lý môi trường trong chăn nuôi, nâng cao chất lượng đất nông nghiệp (sau một thời gian canh tác, do sử dụng phân bón hóa học, đất bị bạc màu); xử lý môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là môi trường nước trong ao nuôi cá tra. Lĩnh lực ứng dụng của 2 công nghệ này rất lớn, từ đó giúp ngành nông nghiệp thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập cho người làm nông nghiệp”- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) Nguyễn Tuấn Anh khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh thăm vùng nuôi của Tập đoàn Nam Việt

Công nghệ sục khí nano là phát minh quan trọng của người Nhật, được thế giới công nhận và hiện đang ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan... Đã có trên 300 dự án của các nước trên thế giới áp dụng 2 công nghệ này để tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch và an toàn cho sức khỏe con người. Trong nuôi cá tra, khi ứng dụng 2 công nghệ này vào sản xuất, giúp môi trường trong ao nuôi giảm các chỉ số COD, BOD, NH3. Tăng nồng độ DO hòa tan trong nước, triệt để xử lý tình trạng phù dưỡng do tảo, làm tăng độ trong của nước ao nuôi, triệt để không còn khí độc H2S, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường nước do thức ăn bị phân hủy.

Đến hiệu quả sản xuất

Nano bioreactor là chất xúc tác mạnh, khi ở trong môi trường nước, nó sẽ kích thích các vi sinh vật có ích, gây ức chế và làm giảm mạnh số lượng các vi sinh vật có hại, gây ô nhiễm môi trường nước; phân hủy các chất bẩn tồn tại trong nước. Đây là hệ thống tuần hoàn tự nhiên, làm giảm các chất ô nhiễm hữu cơ, hợp chất chứa nitơ, chất rắn lơ lửng, màu và mùi trong nước.

Hiện nay, ngành công nghiệp cá tra đang gặp phải 3 vấn đề lớn là: hàng ngày, phải tiến hành thay nước trong ao nuôi từ 25-30%. Định kỳ phải nạo hút bùn đáy ao rất vất vả, tốn kém, ảnh hưởng môi trường xung quanh. “Khi áp dụng 2 công nghệ này, 100% nước trong ao nuôi sẽ được tuần hoàn. Công nghệ giúp người nuôi cá không xả thải ra môi trường, không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trường hợp cá trong ao nuôi chết nhiều là do môi trường nước bị ô nhiễm, vì vậy khó tăng mật độ nuôi. Khi áp dụng  công nghệ sục khí nano, các bọt khí có kích thước nano sẽ phân hủy bùn tạo ra CO2 và H2O. Bùn ở đáy ao tự biến mất… Như vậy, khi tăng được nồng độ ô-xy trong nước, điều đó tỷ lệ thuận với việc tăng sản lượng, mật độ nuôi trên cùng một diện tích mặt nước” - TS Takeba Akira, Cố vấn tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản khẳng định.

Mới đây, nhân hội nghị đánh giá kết quả sản xuất, xuất khẩu cá tra năm 2018, triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2019, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã đến thăm Tập đoàn Nam Việt. Tại đây, bộ trưởng cùng lãnh đạo địa phương đã đến tận ao nuôi cá tra của Nam Việt (có thử nghiệm 2 công nghệ mới). Qua nghe báo cáo kết quả bước đầu (sau gần 1 tháng triển khai áp dụng 2 công nghệ mới của Nhật Bản), bộ trưởng rất phấn khởi, đồng thời động viên lãnh đạo tập đoàn tiếp tục theo dõi kết quả thử nghiệm, khi thành công thì phổ biến, nhân rộng để ngư dân cùng áp dụng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, muốn nền nông nghiệp phát triển, sản phẩm làm ra theo hướng sạch và an toàn, các doanh nghiệp, nông dân phải triệt để áp dụng công nghệ mới vào sản xuất để làm tăng giá trị sản phẩm, giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất, từ đó để có được lợi nhuận cao, sản phẩm có được niềm tin đối với người tiêu dùng.

Nhật Bản từng trải qua thời kỳ phát triển kinh tế “nóng”. Hệ lụy của nó là môi trường bị ô niễm nặng. 40 năm trước ở Nhật Bản có hiện tượng cá chết hàng loạt (do môi trường ô nhiễm). Người Nhật đã phát minh ra 2 công nghệ này để giúp nhiều nước trên thế giới xử lý thành công vấn đề ô nhiễm môi trường, làm cho sản phẩm nông nghiệp được sạch và an toàn hơn...” - TS Kubo Jun, Chuyên gia Công nghệ máy sục khí nano, Công ty Cổ phần Cải thiện Môi trường Nhật Việt (JVE) thông tin

               

Bài, ảnh: MINH HIỂN