Nuôi trùn quế hiệu quả cao

21/10/2020 - 06:19

 - Tận dụng nguồn phế phẩm trong quá trình chăn nuôi bò, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Bình Long (Châu Phú, An Giang) đã phát triển mô hình nuôi trùn quế. Mặc dù mới được triển khai thời gian gần đây nhưng bước đầu mô hình đã mang lại tín hiệu khả quan, giúp nhiều nông dân cải thiện thu nhập, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Triển vọng mô hình

Nhằm hướng nông dân phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất an toàn và đảm bảo vệ sinh môi trường, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Châu Phú đã triển khai nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân. Trong đó, mô hình nuôi trùn quế được triển khai gần đây được đánh giá cao về lợi nhuận kinh tế, giúp bà con tận dụng nguồn phế phẩm trong quá trình chăn nuôi bò, giảm thiểu những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Mô hình còn góp phần cung cấp nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng cho các hộ chăn nuôi gà, nuôi lươn trong địa bàn xã, đồng thời mở ra hướng đi mới trong quá trình chăn nuôi.

Dù mới triển khai được gần 4 tháng nhưng anh Huỳnh Võ Dương cho rằng, mô hình chăn nuôi trùn quế phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương. Trước đây, phế phẩm trong quá trình chăn nuôi bò thường bỏ đi, gây ra sự lãng phí rất lớn cũng như ô nhiễm môi trường. Được sự giới thiệu, vận động tuyên truyền của Hội Nông dân xã Bình Long và Hội Nông dân huyện Châu Phú, anh Dương tiến hành xây dựng chuồng để chăn nuôi. Bắt đầu từ việc mua 6 tấn trùn sinh khối (với giá bán 12.000 đồng/kg) trải rộng trên diện tích 250m2.

Mô hình nuôi trùn quế được đánh giá có tiềm năng kinh tế cao

Khu vực chăn nuôi trùn được thiết kế khoa học, nằm cạnh chuồng bò nên thuận lợi cho việc thu gom phân. Chuồng được anh Dương xây dựng bằng gạch, lợp tole và được phân thành 2 khu vực nuôi, có lối đi rộng ở giữa để dễ dàng cho ăn và kiểm tra. Phần nền được anh trải 1 lớp bạt ny-lon để hạn chế trùn đi mất. Kế đến là phủ 1 lớp cát khoảng 5cm, sau đó cho trùn sinh khối vào nuôi.

Cuối cùng là phủ 1 lớp lưới cước để tránh các loại động vật khác đến ăn. Thức ăn cho trùn quế là phân bò, được xử lý qua men vi sinh nên hạn chế mùi hôi thối. “Trùn quế rất dễ nuôi, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao. Nuôi trùn quế nhẹ công chăm sóc, thời gian cho ăn không cố định. Chỉ cần quan sát thấy phân trên lớp mặt khô là có thể tiếp tục cho ăn” - anh Dương chia sẻ.

Trùn quế sau thời gian nuôi 1 tháng là có thể thu hoạch. Tuy nhiên, anh Dương tiếp tục chăm sóc, nhân rộng cho các vụ sau. Hiện nay, anh Dương đã bán được 2 đợt và đang thu hoạch đợt thứ 3. Vụ đầu tiên, anh thu hoạch 150kg, vụ thứ 2 anh thu hoạch 200kg. Với giá bán hiện nay cho bà con lân cận để làm thức ăn cho gà, lươn khoảng 60.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, anh Dương thu lãi khoảng 20.000 đồng/kg.

Tiềm năng nhân rộng

Cũng như anh Dương, anh Huỳnh Văn Dũng là một trong những nông dân tiên phong trong việc phát triển mô hình nuôi bò kết hợp trùn quế. Tuy nhiên, cách làm của anh Dũng hơi khác một chút so với cách làm của anh Dương, thay vì cất chuồng, anh Dũng tận dụng diện tích sàn nhà để nuôi 4 con bò và 40m2 trùn quế. Theo anh Dũng, nuôi trùn quế dưới sàn nhà giúp tạo môi trường thuận lợi cho loại vật nuôi này phát triển do hạn chế được ánh sáng trực tiếp chiếu vào. Thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân ở khu vực lân cận đến tham quan học tập và có ý định thực hiện mô hình.

Anh Dũng chia sẻ: “Theo quan sát của tôi, ở địa phương có nhiều hộ chăn nuôi gà, lươn và trùn quế là loại thức ăn giàu dinh dưỡng đối với các loại vật nuôi trên. Do đó, thời gian tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục nhân rộng, phát triển mô hình nuôi trùn quế”.

Để giúp bà con nông dân phát triển mô hình cũng như tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận với những chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh… vừa qua, Hội Nông dân xã Bình Long đã ra mắt Chi hội nuôi bò kết hợp trùn quế ấp Bình Thắng, thu hút sự tham gia của 25 thành viên. Đây là diễn đàn để các thành viên trao đổi kiến thức, phổ biến kinh nghiệm, từ đó mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chi hội nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế còn là nơi tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước đến nông dân, đồng thời tiếp nhận tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các thành viên trong chi hội chuyển đến cơ quan chức năng để kịp thời giải quyết và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc...

ĐỨC TOÀN