Qua khảo sát, nắm tình hình, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao kết quả thực hiện Chỉ thị 38 về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới” của tỉnh
An Giang có điểm xuất phát về độ bao phủ số người tham gia BHYT thấp (năm 1993, tỷ lệ dân số tham gia BHYT là 1,5%, đến năm 2009 là 39,95%). Sau khi Chỉ thị số 38 được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 43 về việc đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới. Đồng thời, tỉnh đã đẩy mạnh công tác quán triệt, triển khai đến cả hệ thống chính trị và tuyên truyền rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân về 6 nội dung quan trọng của chỉ thị. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức cán bộ, đảng viên, người dân về vị trí, tầm quan trọng của BHYT trong hệ thống an sinh xã hội.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, từ 713.414 người tham gia BHYT năm 2009, đến năm 2018 số người tham gia BHYT là 1.662.553 người; 100% người nghèo, cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người già trên 80 tuổi được hỗ trợ tham gia BHYT; tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia BHYT đạt 98,43%. Bên cạnh đó, quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) BHYT cho người dân được đảm bảo. Toàn tỉnh hiện có 183 cơ sở y tế công lập (tuyến tỉnh 7, tuyến huyện 28, tuyến xã 148) và 4 bệnh viện, 2 phòng khám ngoài công lập, đáp ứng nhu cầu KCB của người dân. Năm 2009, có trên 2.777.000 lượt người KCB BHYT, tổng chi BHYT hơn 187.200 triệu đồng thì đến năm 2018 con số này đã nâng lên 4.622.000 lượt người, tổng quỹ BHYT chi trả trong năm trên 1.238.500 triệu đồng.
Các cấp ủy, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện chính sách BHYT, nâng cao chất lượng phục vụ, giải quyết đúng, đủ, kịp thời quyền lợi người tham gia BHYT. Thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy bảo hiểm xã hội, BHYT các cấp theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đảm bảo đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác. Đồng thời, HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về mức hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ. Từ đó, giúp cho 100% hộ cận nghèo tiếp cận được thẻ BHYT, đây là cơ sở để phát triển các chính sách an sinh xã hội của tỉnh.
Chất lượng KCB BHYT được nâng chất, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tỷ lệ người dân hài lòng với phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế được cải thiện rõ nét. Quyền lợi người tham gia BHYT được đảm bảo theo đúng quy định. Ông Nguyễn Văn Tài (ngụ huyện Vĩnh Thạnh, TP. Cần Thơ) chia sẻ: “Nhà tôi ở Cần Thơ, giáp ranh với huyện Thoại Sơn. Lúc trước tôi khám bệnh gần nhà, nhưng được giới thiệu chất lượng KCB ở Trung tâm Y tế huyện Thoại Sơn tốt nên tôi đến khám thử, giờ tôi “đeo” theo luôn. Thái độ phục vụ, chất lượng KCB ở đây tôi khá hài lòng, quan trọng là không phải chờ đợi lâu”.
Bên cạnh những kết quả đáng phấn khởi thì việc thực hiện Chỉ thị số 38 của tỉnh vẫn còn một vài hạn chế, như: công tác tuyên truyền chưa thực sự hiệu quả, người dân vẫn còn thiếu thông tin về chính sách, quyền lợi, trách nhiệm tham gia BHYT; chất lượng KCB BHYT tuy có chuyển biến tích cực, nhưng chưa được cải thiện nhiều, chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi cho người có thẻ BHYT theo quy định. Tỷ lệ người tham gia BHYT tuy đạt và vượt chỉ tiêu cấp trên giao, nhưng còn thấp so với mặt bằng chung cả nước. Tình hình phát triển BHYT tại một số địa phương thiếu bền vững, nhất là ở các xã nông thôn mới. Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc kiểm tra, giám sát chưa được chặt chẽ và thường xuyên. Mặt khác, văn bản quy định của Trung ương thay đổi thường xuyên, chưa có sự thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.
Trong chuyến làm việc, khảo sát về việc thực hiện Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư (khóa X), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 của An Giang. Đồng thời, đề nghị thời gian tới, tỉnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác BHYT. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách, chế độ về BHYT, xác định BHYT là trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị- xã hội và phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao chất lượng KCB BHYT. Tăng cường khảo sát, đánh giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ BHYT tại các đơn vị. Kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong triển khai thực hiện chính sách BHYT để giải đáp, tháo gỡ và tham mưu, đề xuất cấp trên những giải pháp giải quyết hiệu quả, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT; ngăn ngừa các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT… Đặc biệt, tỉnh cần nêu cao quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu bao phủ BHYT được Chính phủ giao theo lộ trình đến năm 2020 đạt 90% dân số, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân, góp phần tạo công bằng, hiệu quả trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
THU THẢO