Phát huy tiềm năng vùng chuyên canh rau màu

20/09/2024 - 07:11

 - Năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) sẽ củng cố, duy trì và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh. Đồng thời, sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại và bền vững; trong đó chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm.

Thực hiện Quyết định 3301/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao tỉnh An Giang, giai đoạn 2021 - 2025, Sở NN&PTNT đã triển khai Kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao năm 2024. Theo đó, mục tiêu của ngành nông nghiệp An Giang là phát triển mới và nâng chất các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) sản xuất rau an toàn, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế hợp tác, kiện toàn và nâng cao vai trò của các chủ thể nòng cốt trong chuỗi giá trị cây rau, cây màu tiến đến sản xuất quy mô hàng hóa. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ rau màu, rau màu công nghệ cao; thúc đẩy vai trò trung tâm của doanh nghiệp (DN), tăng cường sự tham gia của nông dân trong các liên kết chuỗi liên sản xuất và tiêu thụ.

Ngành nông nghiệp An Giang tập trung phát triển vùng chuyên canh rau màu

Cụ thể, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp các ngành, địa phương củng cố, duy trì và phát triển các vùng sản xuất chuyên canh rau màu, rau màu công nghệ cao chủ lực của tỉnh, với quy mô 5.788,5 ha trong năm 2024.  Về phát triển vùng chuyên canh rau màu tập trung, ngành duy trì, củng cố 6 nhóm sản phẩm chính, gồm: Rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, bắp các loại, đậu phộng, khoai cao. Trong đó, phấn đấu đạt diện tích 1.426,5ha rau ăn lá, 1.232ha rau ăn quả, 440ha rau ăn củ. Đồng thời, phát triển thêm 30ha vùng sản xuất chuyên canh đậu phộng tập trung, với tổng diện tích 150ha, tại xã Phú Hữu (huyện An Phú). Duy trì vùng chuyên canh khoai cao tập trung, với tổng diện tích 360ha, tại xã Vĩnh Lộc (huyện An Phú), xã Hội An (huyện Chợ Mới) và xã Tân Trung (huyện Phú Tân)…

Với khu vực sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT tiếp tục củng cố hệ thống 114 nhà màng, diện tích 33,54ha trên phạm vi toàn tỉnh. Chủ yếu các nhà màng trồng dưa lưới, giống rau màu, rau ăn lá, rau ăn quả. Tiến hành xây dựng mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu cho sản phẩm rau màu chủ lực tỉnh trong năm 2024. Hoàn thiện xây dựng bộ tài liệu tập huấn về phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với cây rau màu; tổ chức tập huấn, phổ biến các kiến thức, quy trình thực hiện để cấp mã số vùng trồng, hướng đến xuất khẩu sang các thị trường các nước và hướng dẫn HTX, THT thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng, phấn đấu có thêm 618,86ha rau màu được cấp mã số vùng trồng, nâng tổng diện tích rau màu được cấp năm 2024 trên toàn tỉnh đạt 671ha.

Nhằm nâng cao giá trị nông sản, Sở NN&PTNT tiến hành rà soát, đề xuất các chính sách, chương trình, dự án trong việc hỗ trợ phát triển hệ thống bảo quản, sơ chế, chế biến sản phẩm rau màu, rau màu công nghệ cao. Song song mời gọi DN triển khai dự án nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong canh tác gắn với lĩnh vực bảo quản, sơ chế và chế biến sản phẩm rau màu công nghệ cao của tỉnh. Cùng với đó, phối hợp các ngành, địa phương tập huấn nâng cao năng lực cho các hộ sản xuất nhà màng, nhà lưới. Ưu tiên cấp mã số vùng trồng cho các chủ thể là THT, HTX, DN. Đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, tập huấn hỗ trợ nông dân thực hiện hồ sơ cấp mã vùng trồng nội địa và xuất khẩu…

Tích cực hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã và nông dân tham gia sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao

Để củng cố và phát triển nhà màng, nhà lưới sản xuất rau màu ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân trồng rau trong nhà lưới, nhà màng. Theo đó, kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà lưới, nhà màng với số lượng theo nhu cầu đăng ký và khả năng đối ứng của hộ dân tham gia, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn từ các địa phương. Đối với các THT, HTX, ngành nông nghiệp cũng tổ chức tập huấn các kỹ năng: Tổ chức sản xuất theo hợp đồng, tổ chức cung ứng dịch vụ phục vụ thành viên, quản lý tài chính, xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, diễn đàn thương mại điện tử…

Trong giải pháp thu hút đầu tư thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị tại vùng chuyên canh rau màu tập trung, Sở NN&PTNT tập trung thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ. Tiếp tục triển khai biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Antesco song song mời gọi thêm DN rau màu tham gia phát triển sản xuất. Về mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm rau màu, ngành nông nghiệp An Giang sẽ phối hợp các viện, trường, các tổ chức xây dựng và nghiên cứu quy trình, công nghệ chế biến, chế biến sâu, chế biến tinh đối với từng sản phẩm tương ứng; tập huấn, chuyển giao các công nghệ tiên tiến và tiến bộ kỹ thuật trong bảo quản, sơ chế sản phẩm rau màu tươi. Tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ triển khai Quyết định 417/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030, nhằm tạo động lực cho các THT, HTX và nông dân tích cực tham gia nâng cao chất lượng cây rau màu của tỉnh trong thời gian tới.

THANH TIẾN