Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

15/12/2020 - 06:58

 - Hệ thống Mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội đảm bảo đúng quy trình, tổ chức triển khai thực hiện. Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân trong thực hiện các nội dung dân chủ cơ sở, như: thực hiện các nội dung dân biết, dân bàn, dân thực hiện và kiểm tra, giám sát; thực hiện giám sát thái độ, tác phong và thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ, công chức tại văn phòng “một cửa”, giám sát các công trình phúc lợi ở cơ sở.

Theo đó, UBMTTQVN tỉnh quan tâm lãnh, chỉ đạo định hướng công tác mặt trận các cấp trong tỉnh tham gia thực hiện dân chủ cơ sở theo chức năng, nhiệm vụ. Hướng dẫn công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và kế hoạch giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Hướng dẫn Ban Thường trực UBMTTQVN các cấp tích cực tham gia và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tiếp tục theo dõi, tổng hợp việc nhân rộng những mô hình tốt, cách làm hiệu quả hoạt động Ban Thanh tra nhân dân trong việc giám sát thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực thi chính sách pháp luật, tiếp tục đẩy mạnh nhiệm vụ giám sát đầu tư của cộng đồng.

Cử tri huyện An Phú đề xuất ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang về vấn đề phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội

MTTQ các cấp phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan liên quan thực hiện các nội dung về dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra... Công khai, lấy ý kiến nhân dân về những chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước có liên quan trực tiếp với nhân dân và địa phương như: thủ tục giải quyết các loại việc hành chính; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức cấp xã trực tiếp giải quyết các công việc của nhân dân; các khoản huy động nhân dân đóng góp; chủ trương, kế hoạch vay vốn cho nhân dân để phát triển sản xuất, giảm nghèo; thực hiện chỉnh trang đô thị, các công trình phúc lợi ở địa bàn...

Việc phát huy quyền làm chủ trực tiếp của người dân trong góp ý đối với tổ chức, cá nhân lãnh đạo Đảng, chính quyền được nhiều địa phương thực hiện tốt như: duy trì tốt việc phối hợp tổ chức hội nghị “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”; MTTQ chủ trì phối hợp cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cùng cấp với nhân dân theo phương châm “Nói dân nghe - nghe dân nói”; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp... Qua đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia góp ý đối với tập thể, cá nhân (Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đại biểu nhân dân, MTTQ và các đoàn thể) trong quá trình lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của nhà nước về các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đặc biệt, giám sát việc triển khai thực hiện Quy định số 124-QĐ/TW ngày 2-2-2018 về thực hiện giám sát đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên. Nhìn chung, việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI), nhằm kịp thời phát hiện những nội dung còn hạn chế, chưa phù hợp. Qua đó, đưa ra những đề xuất nhằm bảo đảm tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên.

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đã lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, tập trung chỉ đạo và huy động cả hệ thống chính trị, người dân chung tay tham gia ứng phó. Các lực lượng phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ nên công tác chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, được Trung ương đánh giá cao và đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ... Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức truyền hình trực tiếp phát động toàn dân tham gia ủng hộ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên sóng Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang. Tổng cộng toàn tỉnh đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy tiền được 42,052 tỷ đồng.

Sau diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành phát triển kinh tế theo diễn biến dịch bệnh COVID-19 đến cuối năm 2020 trên địa bàn tỉnh để tập trung chỉ đạo, điều hành nhằm khôi phục sản xuất - kinh doanh, tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công… góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã xây dựng kế hoạch điều hành nhằm giảm thiểu những tác động và khó khăn cho đối tượng yếu thế trong xã hội; đảm bảo đời sống nhân dân ổn định.

HỮU HUYNH