UBND tỉnh An Giang xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển vùng sản xuất chuyên canh và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cây ăn trái giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân hàng năm của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đạt 2,8%; thúc đẩy phát triển sản xuất cây ăn trái chủ lực theo vùng chuyên canh tập trung; tổ chức lại sản xuất theo hướng tiên tiến, hiện đại gắn với bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn; nâng cao giá trị sản xuất, giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần nâng cao vị thế ngành nông nghiệp của tỉnh, cải thiện điều kiện sống và thu nhập cho người sản xuất cây ăn trái.
Cụ thể, tỉnh chuyển đổi diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây ăn trái phù hợp, xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung 10.217ha. Trong đó, vùng chuyên canh sầu riêng đến năm 2025 là 300ha, tập trung tại huyện Chợ Mới (100ha), Tri Tôn (50ha), Châu Phú (70ha), Châu Thành (80ha). Giai đoạn 2021 - 2025, cấp mới 10 mã số vùng trồng đối với cây sầu riêng, diện tích 140ha; thúc đẩy sản xuất an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn chứng nhận, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước, quốc tế. Giai đoạn 2022 - 2025, tỉnh hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho 115ha sầu riêng.
Cây sầu riêng được liên kết sản xuất
Cùng với đó, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, lấy hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác làm nòng cốt để tổ chức sản xuất, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị. Tăng cường giám sát cung cầu, dự báo cầu thị trường, đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ trong nước, chuyển đổi thành công xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; mở rộng xuất khẩu đối với thị trường tiềm năng (EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Australia, Hàn Quốc). Đồng thời, thúc đẩy phát triển ngành chế biến trái cây của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030 hiệu quả, an toàn, bền vững.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương, qua tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái, thấy sầu riêng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nông dân Lê Trường Giang (xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo 1ha đất ruộng, trồng sầu riêng Ri6. Từ bản tính cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật canh tác, sau 4 năm, ông Giang thu hoạch vụ đầu tiên, đang thu hoạch lần thứ 5. “Hiện vườn sầu riêng 9 năm tuổi của tôi đang vào vụ thu hoạch, giá bán 90.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí sản xuất, tôi thu lợi nhuận trên 160 triệu đồng/1.000m2” - ông Giang chia sẻ.
Tại huyện Châu Phú, nông dân Trần Chinh (xã Bình Chánh) từng chỉ trồng độc canh cây lúa, nay chuyển đổi sang cây ăn trái, giúp cuộc sống gia đình ổn định hơn. Sau hơn 6 năm chăm sóc, 1ha sầu riêng (khoảng 200 gốc) của gia đình anh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trung bình mỗi năm, anh Chinh thu hoạch khoảng 25 - 30 tấn trái. Bán với giá 110.000 đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 3 tỷ đồng.
Sau khi trừ chi phí đầu tư lên đất vườn, cây giống, hệ thống tưới phun tự động, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc... anh lấy lại vốn ngay vụ thu hoạch đầu tiên. “Từ năm thứ 6 trở về sau, chi phí đầu tư vào cây sầu riêng thấp hơn, năng suất trái nhiều hơn” - anh Chinh chia sẻ. Nhận thấy mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trên địa bàn đến học hỏi kinh nghiệm, chuyển đổi từ cây lúa sang cây sầu riêng để cùng nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng thêm giá trị cho loại trái cây đặc sản này, địa phương vận động nhà vườn trồng sầu riêng tham gia và thành lập HTX sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Lộc Thạnh. Anh Chinh hiện là Giám đốc HTX. Hiện nay, các thành viên áp dụng quy trình sản xuất trái sầu riêng nghịch vụ, canh tác theo hướng nông nghiệp sạch. “Nếu sầu riêng chính vụ có lúc 70.000 - 80.000 đồng/kg, thì sầu riêng nghịch vụ (bán trước hoặc sau Tết Nguyên đán) giữ ở mức giá rất cao, từ 100.000 - 110.000 đồng/kg. Hiện nay, sầu riêng của HTX đang được thương lái bao tiêu sản phẩm, nên đầu ra ổn định” - anh Chinh chia sẻ.
Một tín hiệu vui đến với nông dân trồng sầu riêng là Việt Nam đã ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, hứa hẹn nông dân trồng sầu riêng sẽ phát triển ổn định. Bởi trước đây, sầu riêng đa phần được tiêu thụ nội địa hoặc xuất theo đường tiểu ngạch, giá tại vườn thấp.
Nhưng khi được xuất khẩu chính ngạch thì giá bán được cải thiện, tăng thêm lợi nhuận cho người trồng. “Hiện, HTX của chúng tôi đã có mã số vùng trồng để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, ký kết với doanh nghiệp được cấp mã số đóng gói. Theo đó, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ sầu riêng xuất khẩu, giá cao hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/kg” - anh Chinh thông tin thêm.
Từ những cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, cùng sự mạnh dạn thay đổi tư duy, chuyển sang sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, kỳ vọng tăng thêm giá trị, đưa cây sầu riêng phát triển theo hướng bền vững.
TRỌNG TÍN