Lúa gạo là ngành sản xuất truyền thống và quan trọng của Việt Nam, tạo sinh kế cho hàng chục triệu nông dân trên cả nước. Theo số liệu thống kê, sản lượng lúa năm 2023 ước đạt 43-43,4 triệu tấn. Sản lượng lúa gạo không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, đảm bảo an ninh lương thực, năm nay còn được xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,5 tỷ USD.
Giá lúa gạo năm 2023 cũng lập kỷ lục lịch sử. Lúa mua tại ruộng có giá trung bình lên tới gần 9.000 đồng/kg, giá gạo 5% tấm xuất khẩu đạt đỉnh 663 USD/tấn – mức đắt nhất trong top các quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới.
Thường xuyên bội tín, bẻ kèo
Thế nhưng, tại hội thảo Phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam sáng 13/12, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) - nhận định, còn nhiều hạn chế mà ngành hàng lúa gạo vẫn chưa khắc phục được triệt để như sản xuất còn nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao. Khối lượng gạo xuất khẩu lớn nhưng giá trị chưa cao, thu nhập người trồng lúa còn thấp.
Trong khi đó, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang phải đối mặt với thách thức về nguồn nước khi lũ không còn diễn ra theo quy luật, mặn xâm nhập ngày càng gia tăng.
Tính liên kết trong chuỗi giá trị lúa gạo chưa bền vững, còn xảy ra tình trạng bẻ kèo (Ảnh minh họa)
PGS.TS. Nguyễn Phú Son (Trường Đại học Cần Thơ) chỉ ra 10 điểm nghẽn chính của việc phát triển chuỗi giá trị lúa gạo theo hướng trách nhiệm và bền vững. Trong đó, có những điểm nghẽn “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.
Ông Son dẫn chứng, các tác nhân tham gia chuỗi giá trị chưa nhận thức được đúng và đầy đủ về bản chất của liên kết. Chính vì vậy, mục tiêu liên kết của họ chỉ dừng lại ở chỗ đạt được lợi nhuận trong ngắn hạn, hơn là trong dài hạn. Kéo theo đó, hợp đồng liên kết chỉ mang tính thời vụ.
Vấn đề tư duy sản xuất kinh doanh của các tác nhân trong chuỗi chưa được chuyển đổi theo hướng thị trường và bền vững. Thiếu sự chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa các bên trong chuỗi giá trị. Ông Son cho rằng, điểm nghẽn này thể hiện rõ nhất trong khâu thương thảo ký kết hợp đồng và khâu thu mua lúa. Hệ lụy là thường xuyên xảy ra tình trạng bội tín, bẻ kèo.
Theo ông, ngành hàng lúa gạo chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu lớn. Đây là điểm nghẽn lớn làm ảnh hưởng đến khả năng dự báo thị trường cũng như quản lý tốt ngành hàng để làm tối ưu hóa khoảng cách cung - cầu. Thiếu dự báo thị trường làm giảm hiệu quả hoạt động của tất cả tác nhân trong chuỗi.
TS. Cao Thăng Bình - chuyên gia cao cấp Ngân hàng Thế giới - cho rằng các nước xuất khẩu có xu hướng giảm sản lượng, thậm chí tạm ngưng xuất khẩu đã tạo cơ hội cho gạo của Việt Nam chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, năng suất lúa gạo của Việt Nam gần như đã kịch trần, khó có thể tăng thêm. Nông dân thường sử dụng nguyên liệu đầu vào rất nhiều, nhất là phân bón để đạt được năng suất cao.
Liên kết nông dân với nông dân là quan trọng nhất
Theo ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, để phát triển bền vững có những rào cản chúng ta cần phải vượt qua, hướng đến các tiêu chí trọng tâm.
Thứ nhất, sản xuất phải bền vững ở cả ba yếu tố là kinh tế, môi trường và xã hội. Hiện, giá lúa giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, thậm chí là lớn nhất trong tất cả ngành kinh tế hiện nay. Bỏ ra 1.000 USD để đầu tư trên 1 ha thời điểm này doanh thu đang từ 3.000-3.500 USD, chưa kể đầu tư đó không phải bỏ vốn, từ đó có thể khẳng định ở quy mô nông dân sản xuất lúa hoàn toàn có lời.
Cần tháo gỡ rào cản về tín dụng, vùng nguyên liệu... để tạo chuỗi liên kết bền vững (Ảnh minh họa)
Liên kết sản xuất giúp giá thành giảm và năng lực cung ứng ổn định. Đây là vấn đề quan trọng, bởi ngành lúa gạo có quy mô rất lớn, nhu cầu hàng triệu tấn. Vì thế, không thể không liên kết sản xuất để tạo ra quy mô lớn. Chúng ta phải tháo gỡ các rào cản để liên kết sản xuất.
Thứ hai, phải tháo gỡ rào cản tín dụng. Mặc dù hiện nay có nhiều ưu đãi cho người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lúa gạo nhưng chưa hoàn toàn phù hợp với đặc tính của ngành. Giống như tình trạng có áo nhưng không mặc được, vẫn phải chịu lạnh.
Thứ ba, rào cản môi trường pháp luật. Tình trạng người dân, doanh nghiệp vi phạm, bẻ kèo, vi phạm hợp đồng hay nhiều hành vi vi phạm khác đang còn diễn ra phổ biến.
Cuối cùng là cơ giới hóa đồng bộ, cần cải thiện cơ giới để nâng cao năng suất lao động, hiệu quả kinh tế. Nếu sử dụng cơ giới hóa đồng bộ sẽ giảm được hao hụt trong thu hoạch.
Diện tích sản xuất lớn với hơn 10 triệu hộ nông dân trồng lúa, 300 doanh nghiệp, 20.000 người thu mua lúa… Theo ông Bùi Bá Bổng - Chủ tịch Hiệp hội ngành hàng lúa gạo Việt Nam - không gian và các thành tố trong chuỗi ngành hàng lúa gạo Việt Nam rất phức tạp, để hoạt động nhịp nhàng là rất khó.
“Chuỗi ngành hàng có nhiều cấp độ, trong đó cấp độ ngắn nhất, hiệu quả nhất chính là từ người nông dân đến thẳng nhà máy chế biến. Ở Thái Lan, rất dễ bắt gặp hình ảnh người nông dân dùng ô tô chở lúa tươi đến thẳng nhà máy, cân xong tiền vào tài khoản. Chỉ vài tiếng sau, lúa tươi đó đã trở thành gạo có thể xuất khẩu. Đó là chuỗi lúa gạo siêu ngắn”, ông Bổng cho hay.
Việt Nam đã có một số doanh nghiệp làm chuỗi siêu ngắn. Song, chúng ta chưa thể bao phủ ngay cấp độ ngắn này cho 4,3 triệu ha đất lúa được. Cần nhận thức đa dạng, nâng cấp dần dần và phải xác định sự liên kết các tác nhân trong chuỗi liên kết rất quan trọng.
Ông cho rằng, liên kết quan trọng nhất trong chuỗi ngành hàng lúa gạo vẫn phải là giữa nông dân với nông dân. Bởi, khi nông dân liên kết được với nhau thì sẽ liên kết được với doanh nghiệp. 10 triệu nông dân mà ai cũng cá thể thì không thể xây dựng được chuỗi giá trị, liên kết từ nông dân trước rồi liên kết chuỗi khác.
Theo Vietnamnet