Phát triển kinh tế tập thể gắn với sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị

19/07/2022 - 07:07

 - An Giang có hơn 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, dân số trên 1,9 triệu người (đứng thứ 8 cả nước và đứng đầu khu vực ĐBSCL) với 68% dân số nông thôn. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX) phát triển.

Thu hoạch xoài ở Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình (huyện An Phú)

Nhằm tạo ra hướng đi mới cho nông nghiệp, tỉnh An Giang chú trọng triển khai các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, rau màu, thủy sản), trọng tâm là sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ. Trong đó, HTX giữ vai trò đặc biệt quan trọng kết nối giữa người dân và doanh nghiệp (DN) theo hướng sản xuất chuỗi giá trị. An Giang từng bước hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như: Cá tra (TP. Long Xuyên, huyện Châu Phú, Châu Thành, TX. Tân Châu…), trái cây (huyện Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…), rau màu (huyện Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc…), lúa, nếp (huyện Phú Tân, Châu Phú) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng thủy sản, trái cây, giảm lúa; công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, quy trình sản xuất tiên tiến; các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP… được tăng cường áp dụng.

Nhiều HTX kiểu mới dần hình thành và phát triển theo nhu cầu của DN, các HTX, tổ hợp tác (THT) ngày càng thể hiện vai trò nòng cốt trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu câu trồng, vật nuôi, quy hoạch lại sản xuất, cải tạo đồng ruộng, hình thành vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa lớn. Mối liên kết, hợp tác giữa DN và các tổ chức nông dân trên địa bàn tỉnh (HTX, THT nông nghiệp) đang hình thành và từng bước phát triển bền vững gắn liền với sản phẩm chủ lực, đặc điểm và lợi thế của từng địa phương. Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đã đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi từ “sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”.

Nhiều HTX đã tìm ra hướng đi mới, phù hợp với xu thế thị trường, mở ra nhiều dịch vụ mới, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất với DN, như: HTX nông nghiệp Phú Thạnh, Chợ Vàm, An Bình, Vĩnh Bình, Tân Tiến, Bến Bà Chi… sản xuất gạo sạch đóng gói, cung cấp nước sạch nông thôn, kinh doanh cửa hàng nông sản xanh cung cấp các mặt hàng nông sản sạch cho thành viên và nhân dân trên địa bàn… Qua đó, đã đóng góp tích cực vào công tác xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp, giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế tập thể gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ở An Giang vẫn chưa đồng bộ; vai trò cầu nối của HTX, THT trong thực hiện các mối liên kết giữa nông dân với nông dân, giữa nông dân với DN chưa được thể hiện rõ nét, chưa theo kịp các yêu cầu của DN và thị trường về chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Chương trình hành động và UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình hành động về phát triển HTX, THT gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025.

Theo PGS.TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trên cơ sở quy hoạch của tỉnh và lợi thế sinh thái sản xuất nông nghiệp, mỗi địa phương cần xây dựng ít nhất 1 HTX liên kết theo chuỗi giá trị để thu hút các tập đoàn, DN lớn đầu tư và làm “đầu tàu” liên kết. Khuyến khích nông dân cùng mục tiêu phát triển thành THT, HTX để liên kết với DN theo liên kết dọc, ngang hoặc phát triển thành loại hình sản xuất DN trực thuộc HTX, người dân góp vốn bằng tiền hoặc đất, cùng sản xuất - kinh doanh và chia sẻ lợi nhuận.

Định hướng phát triển phương thức: Nông dân cho HTX thuê đất (hoặc HTX đảm bảo lợi nhuận cho nông dân) để HTX chủ động tổ chức sản xuất theo kế hoạch và quy trình kỹ thuật riêng (hoặc theo đặt hàng của DN), nhằm hình thành vùng sản xuất quy mô lớn (trên 500ha) đáp ứng nhu cầu của DN, hình thành chuỗi giá trị khép kín các ngành hàng chủ lực. Xây dựng và phát triển các trung tâm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông, thủy sản, dự báo thông tin thị trường cung - cầu nông sản, điều phối cung cầu sản phẩm nông, thủy sản toàn tỉnh. Tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách hiện hành và đề xuất chính sách ưu tiên thu hút DN tham gia hình thành các HTX kiểu mới tại các địa phương.

Tập trung thực hiện các biện pháp, giải pháp đột phá để khuyến khích các HTX ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; trọng tâm là công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản.

PGS.TS Hoàng Phúc Lâm cho rằng, An Giang cần triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ trong chuỗi liên kết đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh, DN, HTX, THT trong đầu tư hệ thống sơ chế, chế biến từ sản phẩm nông nghiệp. Tập trung đầu tư, hoàn chỉnh hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, nhằm đẩy mạnh cơ giới hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Cuối năm 2021, toàn tỉnh có 194 HTX nông nghiệp, với hơn 13.150 thành viên, 2 liên hiệp HTX nông nghiệp và 894 tổ hợp tác nông nghiệp, với 14.390 thành viên... Bình quân, mỗi HTX nông nghiệp đạt doanh thu hơn 2,3 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 185,6 triệu đồng/năm. Có 40% số HTX thực hiện từ 2 dịch vụ trở lên; có 15,2% số HTX thực hiện dịch vụ tiêu thụ nông sản; có 15,6% nhân sự quản lý điều hành HTX có trình độ đại học, cao đẳng…

HỮU HUYNH