Cẩn trọng với dịch bệnh trên sen

15/05/2025 - 07:44

 - Để gia tăng giá trị canh tác, nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn có những rủi ro mà nông dân phải đối mặt, nhất là dịch bệnh không kiểm soát, làm dẫn đến thiệt hại, mất trắng mùa vụ.

Bà Ba Thúy (xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) cho biết, gia đình bà chuyển đổi 30 công đất lúa sang trồng sen. Sen trồng ít công chăm sóc, vốn đầu tư thấp, thời gian thu hoạch dài. Mùa vụ trước, sen phát triển tốt, mỗi ngày thu hoạch từ 300 – 500kg. Thời điểm giá 20.000 đồng/kg, thương lái đến tận ruộng thu mua, mang lại nguồn thu nhập khá ổn định. Đến mùa vụ này, sản lượng sen bắt đầu giảm, sen có dấu hiệu chết dần, gia đình bà tăng cường phun xịt trị bệnh nhưng không hết. 

“Tôi hỏi thăm các hộ trồng sen lân cận kinh nghiệm xử lý, nhưng vẫn không hiệu quả. Sen phát triển bình thường, cũng ra hoa, tạo gương, nhưng gương gục đầu khô dần rồi chết. Ban đầu chỉ vài hàng, sau lan dần, đến nay bệnh phát triển ra gần 15 công, chưa có dấu hiệu dừng lại. Tôi chạy đi rất nhiều nơi, mua thuốc về trị, tốn rất nhiều chi phí, nhưng vẫn không cải thiện. Giờ chỉ trông chờ vào may rủi, coi như vụ này mất trắng, lỗ vốn” - bà rầu rĩ.

Tương tự, ông Năm Thanh (ngụ cùng xã) cũng lâm vào tình cảnh sen chết không rõ nguyên nhân. 40 công sen dần xơ xác, trong khi trước đó phát triển rất tốt, cách 2 -3 ngày thu hoạch hàng tấn sen. "Mấy ngày nay, theo kinh nghiệm trồng sen, tôi mua thuốc về xử lý, nhưng không ăn thua. Hễ ai chỉ thuốc gì là mua về thử, hy vọng "còn nước còn tát", chứ không biết phải làm sao. Đất tôi thuê, phải canh tác liên tục mới đủ chi phí. Tình trạng này kéo dài thì chỉ còn cách bỏ hết, cải tạo, xử lý lại từ đầu. Thời gian cây sen phát triển cho đến thu hoạch mất vài tháng, không có thu nhập, thiệt hại rất lớn đối với nông dân như tôi” - ông chia sẻ.  

Bên cạnh ruộng sen nhiễm bệnh gây mất mùa, vẫn có nhiều ruộng sen phát triển tốt, giúp nông dân thu nhập ổn định. Trồng sen ngoài hiểu rõ về đặc tính của cây, còn phải nắm vững kỹ thuật trồng, trang bị kiến thức từ cải tạo đất, sử dụng thuốc phòng ngừa sâu bệnh. Ông Năm Được (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng sen trên đất lúa. Ban đầu, ông chỉ trồng thử vài công, thấy kết quả tốt, dần dần mở rộng sản xuất hơn 100 công rải rác các xã lân cận. 

Đầu vụ, búp sen to cho sản lượng cao, có thể đạt từ 500 – 700kg/công, giá có thời điểm lên 20.000 đồng/kg. Hiện giờ, sen đã vào cuối vụ, vài ngày hái được 50 – 60kg/công, giá 15.000 đồng/kg. Chi phí cho 1 công sen khoảng 1 – 1,5 triệu đồng. Sen hút hàng, nên thương lái đến tận ruộng cân, không phải lo lắng về đầu ra, không phải chạy đôn đáo tìm chỗ tiêu thụ. Người trồng ít tốn công chăm sóc, chỉ cần phun thuốc phòng ngừa sâu bệnh, bón phân đúng thời gian. 

Ông cho biết: "Hiện nay, có một số ruộng sen bị nhiễm nấm gây thối củ, rễ sen khô lại rồi chết. Đây là bệnh mà người trồng sen rất lo lắng vì chưa có thuốc đặc trị, chủ yếu là phòng ngừa. Nhưng khi ruộng nhiễm bệnh thì chỉ có cách bỏ sen, xử lý đất chuyển lại trồng lúa. Sau vài vụ, đất trở nên tốt hơn thì tiếp tục canh tác sen, như vậy sẽ giúp sen phát triển, phòng ngừa sâu bệnh tốt hơn".       

Trồng sen trên đất ruộng là mô hình chuyển đổi cây trồng hiệu quả, nhưng nông dân cần trang bị kiến thức đầy đủ. Tránh tình trạng ồ ạt cải tạo đất lúa trồng sen, gây ra hiện tượng cung vượt quá cầu, gây mất giá, dịch bệnh làm hư hại đến mùa vụ, dẫn đến mất thu nhập. 

ĐĂNG LÂN