Phát triển nông nghiệp An Giang hiện đại, bền vững

14/02/2025 - 07:20

 - Năm 2025, nền nông nghiệp của An Giang sẽ được phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tăng trưởng hợp lý, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành. Đồng thời, đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, nâng hàm lượng chất xám và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; nâng giá trị canh tác và thu nhập của nông dân.

Nông nghiệp tiếp tục là “bệ đỡ” của nền kinh tế tỉnh An Giang

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) An Giang Trần Thanh Hiệp, năm 2024, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò “bệ đỡ” của nền kinh tế. Ước tăng trưởng 3,67%, đạt kế hoạch đề ra. Đồng thời, tỉnh có thêm 5 xã nông thôn mới (NTM), 5 xã NTM nâng cao và 1 xã NTM kiểu mẫu. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch là 96,35%, vượt kế hoạch đề ra.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản của tỉnh tiếp tục duy trì ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế. Diện tích xuống giống lúa tăng gần 13.000ha so cùng kỳ; diện tích lúa chất lượng cao và nếp được mở rộng; giá lúa tăng. Diện tích gieo trồng rau màu tương đương cùng kỳ, có sự luân canh hợp lý, thay đổi chủng loại cây màu để phù hợp thị trường. Các ngành chăn nuôi, thủy sản ổn định, đảm bảo ổn định nhu cầu lương thực, thực phẩm, đặc biệt trong dịp lễ, Tết. Tỉnh đẩy mạnh sản xuất quy mô lớn theo hợp đồng với tập đoàn, thị trường nước ngoài, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Từ những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp phấn đấu thực hiện thắng lợi chỉ tiêu trong năm 2025, gồm: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt khoảng 4,8%; có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 2 huyện đạt chuẩn NTM; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 96,5%; duy trì tỷ lệ che phủ của rừng trồng tập trung ổn định 3,5% và nâng cao chất lượng rừng…

Về giải pháp, toàn ngành thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nghị quyết, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển theo định hướng “Nông nghiệp bền vững, minh bạch và có trách nhiệm”; chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang hợp tác phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông - lâm - thủy sản; từ chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi ngành hàng.

Nông nghiệp An Giang tích cực ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất

Tỉnh tích cực triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” tại An Giang đúng lộ trình. Trong đó, ngành chuyên môn phối hợp địa phương tập huấn nâng cao năng lực cho hợp tác xã, tuyên truyền giúp nông dân hiểu lợi ích khi tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi, phòng, chống thiên tai…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Ngô Công Thức khẳng định, năm 2025 là năm cuối của nhiệm kỳ, nhiệm vụ đặt ra rất lớn khi tỉnh vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, vừa phải phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ 2020 - 2025. Do đó, ngành nông nghiệp cần tiếp tục phát huy vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế; chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản đặc trưng địa phương.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp song song với việc tăng cường ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp, như: Sử dụng drone, hệ thống tưới tiêu tự động, phần mềm quản lý hiện đại. Quan tâm phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường. Tập trung chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hình thành các vùng nguyên liệu bền vững. Tích cực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về kỹ thuật sản xuất, quản lý kinh doanh và ứng dụng công nghệ cao; thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng NTM; phát triển mô hình chuỗi giá trị hợp tác xã nông nghiệp…

THANH TIẾN