Phát triển toàn diện “tam nông”

07/06/2023 - 06:24

Nghị quyết 26/NQ-CP, ngày 27/2/2023 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có ý nghĩa định hướng lớn về chương trình “tam nông” trong hơn 30 năm tới. Với một tỉnh nông nghiệp như An Giang, mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh, nông thôn đáng sống có cơ sở thực hiện trước những thời cơ mới.

Nâng cao đời sống nông thôn

Ô Lâm là một trong những xã khó khăn nhất của huyện miền núi Tri Tôn, nơi có hơn 97% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Khmer. Ngoài canh tác ruộng co bưng, ruộng trên, chăn nuôi bò nhỏ lẻ, người dân nơi đây còn lưu giữ một số nghề truyền thống Khmer, như: Gói bánh kà-tum, nấu đường thốt nốt, giã cốm dẹp... Trước đây, do chủ yếu tiêu thụ nội bộ trong cộng đồng Khmer nên thu nhập không đáng kể.

Khi “cung đường du lịch (DL)” Soài So - Tà Pạ - Soài Chek - Ô Thum được khai mở, DL hồ Ô Thum được biết đến với món gà đốt Ô Thum nổi tiếng, đời sống đồng bào DTTS xã Ô Lâm có nhiều thay đổi. Địa phương đang hình thành hợp tác xã chăn nuôi gà để cung ứng cho các quán gà đốt hồ Ô Thum, vốn tiêu thụ hàng trăm con gà vườn mỗi ngày và tăng gấp 2 - 3 lần vào dịp cuối tuần, lễ, Tết.

Ở xã An Tức giáp ranh, nơi có lợi thế đồi Tức Dụp nổi tiếng, nghề chăn nuôi bò đang được phục hồi lại, tiến tới thành lập hợp tác xã chuyên chăn nuôi bò nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến các món ăn từ thịt bò, như: Bò nướng ghim, bò nấu lá vang, lòng bò hấp khóm, cháo bò trái chúc... Đây là những món ăn đặc sắc của đồng bào DTTS Khmer.

Chị Néang Sa Mone (ấp Phước Lợi, xã Ô Lâm) cho biết, nhờ được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ xây dựng điểm dừng chân trên tuyến đường đi qua khu DL đồi Tức Dụp và khu DL hồ Ôm Thum, làng nghề nấu đường thốt nốt truyền thống được phục hồi, các hộ trong làng nghề trang bị thêm máy đánh đường, tăng công suất sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng lớn. “Mua hàng tại đây, du khách tin tưởng vào sản phẩm đường thốt nốt nguyên chất, không pha trộn thêm đường cát khiến đường khô cứng, giữ được vị thơm ngon đặc trưng” - chị Néang Sa Mone nhấn mạnh.

Còn với bà Néang Phương (ấp Phước Lộc, xã Ô Lâm), người được biết đến là nghệ nhân có kỹ thuật gói bánh kà-tum điêu luyện, khi DL địa phương phát triển, cũng là lúc những chiếc bánh kà tum xinh đẹp, cầu kỳ được nhiều du khách thích thú, ưa chuộng.

“Nghề gói bánh kà-tum đòi kỹ thuật khó mà thu nhập không đáng kể, tưởng như mai một nhưng giờ phục hồi mạnh mẽ, thu hút nhiều chị em người Khmer tham gia. Ngày thường, sản phẩm tiêu thụ ổn định, còn vào cuối tuần, lễ, Tết, dịp lễ hội, số lượng sản phẩm được đặt hàng rất lớn. Ngoài gói bánh có nhân bên trong (nếp, dừa, đậu đen…), chúng tôi còn gói vỏ bánh rỗng để khách mua về trưng bày, trang trí, làm quà tặng” - bà Néang Phương cho hay.

Phát triển những làng quê hiện đại

Phát triển những xã khó khăn như Núi Tô, Ô Lâm, An Tức thành những khu DL trọng điểm, thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức ẩm thực Khmer, nghỉ lại qua đêm để trải nghiệm đời sống vùng dân tộc, miền núi là cách làm mà huyện Tri Tôn đang triển khai nhằm phát triển những vùng nông thôn, nâng cao thu nhập theo hướng bền vững.

Được sự hỗ trợ của Trường Trung cấp nghề và đào tạo cán bộ Hợp tác xã miền Nam, Hội Nông dân huyện Tri Tôn phối hợp hỗ trợ thiết bị cho 74 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn tại các xã Châu Lăng, Ô Lâm và An Tức, với tổng kinh phí 520 triệu đồng, tạo điều kiện cho đồng bào DTTS Khmer phát triển nghề làm đường thốt nốt, tạo ra sản phẩm đặc trưng đáp ứng nhu cầu mua sắm của du khách đến Tri Tôn.

Cách làm của huyện Tri Tôn phù hợp Kế hoạch 255/KH-UBND của UBND tỉnh ký ban hành ngày 31/3/2023 về thực hiện Nghị quyết 26/NQ-CP về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, tỉnh tập trung phát huy vai trò chủ thể của nông dân, xem đây là trung tâm của quá trình phát triển nông thôn; gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, nông dân phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo; có trình độ, học vấn và năng lực tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, thay đổi tư duy của cả hệ thống chính trị chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; chuyển mạnh từ xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống của nông dân và cư dân nông thôn…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương xây dựng và thực hiện hiệu quả Đề án khuyến nông cộng đồng cấp xã và thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng cấp xã để tư vấn hình thành các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) ở địa bàn xã; gắn kết nông dân tham gia hợp tác xã nông nghiệp từ các doanh nghiệp; đưa sản phẩm của nông dân lên sàn thương mại điện tử.

Tỉnh sẽ phối hợp hoàn thành đưa vào khai thác đồng bộ Dự án tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1), làm cơ sở kết nối trong vùng; nâng cấp hệ thống quốc lộ chính yếu; đầu tư các trục kết nối từ cao tốc đến các khu công nghiệp, cảng thủy nội địa, trung tâm đầu mối nông sản nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh.

An Giang tập trung phát triển công nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp tại nông thôn; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị, đa dạng hóa định hướng phát triển nông thôn mới. Tỉnh chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập; phát triển các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, thu hút các ngành sử dụng nhiều lao động, đảm bảo “ly nông bất ly hương”. Từ đó, xây dựng nông thôn thành những làng quê đáng sống.


NGÔ CHUẨN