Giai đoạn 2019-2020, huyện Phú Tân triển khai kế hoạch “Phát triển vùng chuyên canh lúa nếp huyện Phú Tân” do UBND tỉnh phê duyệt theo Quyết định số 1869/QĐ-UBND ngày 31-7-2019 với nhiều giải pháp tích cực, kỳ vọng thương hiệu nếp Phú Tân sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Nếp là sản phẩm đặc thù mang chỉ dẫn địa lý huyện Phú Tân, chiếm hơn 80% diện tích sản xuất và hình thành vùng chuyên canh với hệ thống đê bao quản lý lũ khép kín nhờ dự án Bắc Vàm Nao, đã tạo ra sản phẩm hàng hóa với số lượng lớn.
Kế hoạch phát triển vùng chuyên canh nếp Phú Tân đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2020, xây dựng được ít nhất 3 tiểu vùng sản xuất nếp gắn với doanh nghiệp (DN) tiêu thụ (theo tiêu chuẩn của DN), quy mô tối thiểu 100ha/tiểu vùng/2 vụ (50ha/vụ x 2 vụ). Theo đó, nông dân tham gia lợi nhuận đạt tối thiểu 40% so với giá thành sản xuất, chất lượng được cải thiện. Huyện còn củng cố, nâng chất hoạt động ít nhất 3 tổ sản xuất nếp giống, để đảm bảo cung cấp đủ lượng giống nếp chất lượng phục vụ sản xuất.
Vùng chuyên canh nếp Phú Tân
Sau thời gian triển khai thực hiện chuỗi liên kết và áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nếp, kế hoạch bước đầu đã mang lại kết quả đáng phấn khởi. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Huỳnh Đào Nguyên, nhờ vai trò đầu mối của hợp tác xã mà liên kết giữa nông dân cùng với các công ty và DN thuận lợi hơn. Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức chuyển giao kỹ thuật mới canh tác lúa bền vững theo tiêu chuẩn SRP, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Về giống, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang nhân giống đủ cho nông dân sản xuất.
Để hỗ trợ nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức 11 lớp tập huấn về quy trình sản xuất nếp cho 275 cán bộ kỹ thuật và nông dân. Tổ chức 6 điểm trình diễn phục tráng giống với diện tích 0,6ha và 3 mô hình trình diễn sản xuất nếp ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Các mô hình giúp nông dân giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận từ 3-6 triệu đồng/ha, được nông dân đánh giá cao và đồng thuận trong quá trình canh tác.
Nông dân không chỉ tiếp cận kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn mới, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu mà những người có kinh nghiệm lâu năm canh tác lúa giống còn có thể tự phục tráng giữ lại nguồn giống nếp AG (nếp CK92) cung cấp cho thị trường sản phẩm nếp đạt chất lượng. Hiện, toàn huyện Phú Tân có 17 tổ sản xuất nếp giống, trong đó 3 tổ sản xuất giống ở các xã: Phú Thạnh, Phú Hưng, Tân Hòa duy trì củng cố hoạt động rất tốt.
Chia sẻ về tình hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nếp, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân Trần Văn Ngọc thông tin, thời gian triển khai thực hiện phát triển vùng chuyên canh nếp liên kết với công ty, DN bước đầu đã giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ nếp.
Năm 2019, Tập đoàn Lộc Trời và 4 công ty đã ký hợp đồng tiêu thụ được 1.978ha với 4 hợp tác xã ở thị trấn Chợ Vàm, Phú An, Phú Thạnh và Hiệp Xương. Riêng vụ đông xuân 2020-2021, có hơn 3.450ha được liên kết sản xuất, tiêu thụ. Trong đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời liên kết sản xuất và tiêu thụ tổng diện tích trên 2.544ha, gồm 1.820ha với 8 hợp tác xã và 724,9ha liên kết tiêu thụ với 13 tổ hợp tác.
Từ những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Ngô Thanh Trí khẳng định, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện vùng chuyên canh nếp với chu kỳ sản xuất “2 năm, 5 vụ”. Sắp tới, để chuẩn bị diện tích lớn liên kết sản xuất, các địa phương và hợp tác xã cần tính toán xây dựng lại vùng chuyên canh cây ăn trái và sản xuất nếp riêng biệt, kèm theo đó là sử dụng giống chuẩn, phát triển các dịch vụ phù hợp.
Sở Công thương đã trình UBND tỉnh văn bản về mặt pháp lý để xây dựng thương hiệu nếp Phú Tân. Đồng thời, huyện Phú Tân tiếp tục đề xuất các sở, ngành có những văn bản chỉ đạo ưu tiên tối đa cho vùng chuyên canh nếp của huyện. Huyện Phú Tân kêu gọi bà con nông dân phải nhanh chóng chuyển đổi tư duy sản xuất, liên kết và tuân thủ theo quy trình sản xuất hoàn chỉnh. Từ đó mới có thể tạo ra sản phẩm chất lượng và hướng đến phát triển cây nếp bền vững.
MỸ HẠNH