Phú Tân qua 2 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng

04/05/2021 - 05:23

 - Quyết tâm dựa vào thế mạnh nông nghiệp để vươn lên, song song với nỗ lực xây dựng thương hiệu nếp, huyện Phú Tân (An Giang) còn vận động nông dân chuyển đổi cây trồng ở những vùng kém hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy về chuyển đổi cơ cấu cây trồng giai đoạn 2019 – 2020, đến nay kết quả đem lại là sự đồng thuận của người dân, tư duy kinh tế nông nghiệp được hình thành, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM).

Những điểm sáng

Từ khi xây dựng NTM thành công đến nay, đời sống nhân dân xã Bình Thạnh Đông không ngừng nâng cao. Trong đó đáng kể có những mô hình trồng trọt mới như: lập vườn đa canh, nhà màng dưa lưới, bưởi da xanh, xoài… Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Đông Lê Trung Anh cho biết, toàn xã chuyển đổi được 45ha cây ăn trái và 3.000m2 nhà màng trồng dưa lưới. Các loại cây cho thu hoạch đợt đầu hiệu quả cao từ 5-10 lần so trước đây. Xã đang tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo chủ trương của huyện, giúp đỡ nông dân tiếp cận nguồn vốn và thực hiện các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Địa phương sẽ thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã cây ăn trái để hướng tới xây dựng thương hiệu cây ăn trái xã Bình Thạnh Đông, phấn đấu đạt chuẩn sản phẩm OCOP nhằm tạo đầu ra có giá trị và khẳng định chất lượng.

Những cây ăn trái mới phát triển ở “xứ nếp” mang lại thu nhập cao cho nông dân

Tại xã Phú Thọ, xã điểm thực hiện NTM năm nay, nỗ lực phát triển kinh tế nông nghiệp đã và đang được địa phương đẩy mạnh nhằm đổi mới nông thôn xứng tầm. Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thọ Lý Minh Châu thông tin, trong vùng được địa phương quy hoạch chuyển đổi cây trồng bà con hưởng ứng rất tích cực. Đa phần các vùng chuyển đổi là đất trồng nếp kém hiệu quả, hiện phát triển 37,3ha diện tích trồng cây ăn trái, chủ yếu là cam, bưởi, xoài, nhãn idol… “Bên cạnh hỗ trợ về mặt kỹ thuật, địa phương còn gần gũi, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của nông dân để kịp thời tiếp sức. Các mô hình đến nay phát huy hiệu quả kinh tế khá khả quan. Xã tiếp tục đề nghị huyện hỗ trợ cho 10 hộ đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt áp dụng công nghệ cao với chi phí dự kiến 300 triệu đồng” - ông Châu chia sẻ.

Năm 2021, các cấp Hội Nông dân chuẩn bị bình xét danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”. Điểm qua các mô hình tiêu biểu được giới thiệu, có thể thấy trồng cây ăn trái, kinh tế đa canh kết hợp nuôi + trồng đang chiếm ưu thế và khẳng định hiệu quả của việc chuyển đổi từ cách tính toán phù hợp của nông dân. Trong đó phải kể đến nhiều loại cây trồng mới đang bén rễ thích nghi không thua kém các huyện khác trong tỉnh, như: măng tây, dưa lưới, chanh không hạt, na Thái, mít Thái, các loại hoa kiểng…

Khẳng định hướng đi đúng

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Huyện ủy Phú Tân, sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11, định hướng quy hoạch vùng chuyên canh rau, màu, cây ăn trái từng bước rõ nét hơn; phát triển kinh tế vườn được chú trọng, vừa tăng thu nhập nông hộ, vừa nâng giá trị sản xuất nội ngành nông nghiệp. Trên 36,65 tỷ đồng là nguồn vốn tập trung cho việc chuyển đổi, trong đó đầu tư hạ tầng thủy lợi 21,63 tỷ đồng; tín dụng 6,65 tỷ đồng; dạy nghề 0,3 tỷ đồng; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên 8 tỷ đồng.

 

Phá thế độc canh cây nếp, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình tiêu biểu; dạy nghề gắn sản xuất theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap được quan tâm; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chú trọng, nhân rộng; nguồn vốn từ quỹ Hỗ trợ nông dân phát huy hiệu quả. Việc củng cố, nâng chất gắn với việc thành lập mới hợp tác xã là một phần trọng tâm trong Nghị quyết số 11 đến nay được tăng cường, thực hiện liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp được mở rộng và từng bước hình thành mô hình doanh nghiệp tham gia hợp tác xã.

Từ năm 2019 đến nay, toàn huyện chuyển đổi được 573,91ha cây ăn trái (tăng 182,6ha). Diện tích thu hoạch cây ăn trái cuối năm 2020 là 251,14ha, với sản lượng đạt hơn 4.000 tấn, lợi nhuận (tùy loại cây) tăng từ 1,45 - 1,7 lần so trồng màu và từ 1,9 - 3,5 lần so trồng lúa. Ngoài vùng chuyển đổi trồng rau màu, cây ăn trái, diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của huyện được đầu tư và mở rộng từ 1.300 - 3.500 ha/vụ, tập trung tại các xã: Phú Hiệp, Phú Long, Long Hoà, Hòa Lạc và Phú Xuân.

Nối dài thành quả từ Nghị quyết số 11, giai đoạn 2021-2025, huyện Phú Tân sẽ tiếp tục khai thác lợi thế dự án kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao quy hoạch vùng sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, tăng cường tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp thông minh, tăng thu nhập cho người nông dân gắn xây dựng NTM theo phương châm “Lấy nông dân làm trung tâm, kinh tế hợp tác làm nòng cốt, quản lý của chính quyền làm cơ sở, nền tảng”.

MỸ HẠNH