Phục hồi giống quýt bản địa ở Bá Thước, Thanh Hoá

24/01/2021 - 13:56

Quýt rừng có vị ngọt thanh, thơm mát đặc trưng. Quả quýt non hoặc chín có thể dùng làm thuốc nam, lá cây có thể làm gia vị. Mỗi ha cho thu nhập gần 100 triệu đồng.

Thu hoạch quýt hôi. Ảnh: TTXVN phát

Nhận thấy nhu cầu của thị trường và giá trị kinh tế mang lại cao hơn nhiều so với các loại các cây trồng khác, trong quá trình lựa chọn, phát triển các sản phẩm đặc trưng, cây quýt hôi bản địa đã được UBND huyện Bá Thước quan tâm phục tráng, mang lại giá trị kinh tế khá.

Cây quýt rừng (còn có tên gọi là quýt hôi) là loài cây bản địa bám rễ tại vùng cao huyện Bá Thước, Thanh Hóa hàng trăm năm nay. Trước đây, quýt tự mọc, tự phát triển, không có bàn tay chăm sóc của con người; đất đai bị thoái hóa, bạc màu, chất lượng giống thấp nên loại cây này bị thu hẹp dần diện tích.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn quýt của gia đình nằm xen trong những tán rừng đặc dụng trong khu bảo tổn thiên nhiên Pù Luông, chị Chị Ngân Thị Phiều, dân tộc Mường, bản PaBan, xã Thành Sơn, huyện Bá Thước cho biết, không biết cây quýt “bám rể” trên đất này từ khi nào, chỉ biết rằng từ khi sinh ra và lớn lên, chị đã thấy cây hiện hữu.

Trước đây, không được chăm bón, tỉa cành, cây tự sinh trưởng và phát triển nên cây trồng không có hàng lối, những cây nhỏ là cây to rụng quả xuống rồi mọc lên. 

“Mấy năm gần đây, cứ đến mùa, các thương lái đã đến đặt mua cả vườn để làm dược liệu, nhận thấy hiệu quả kinh tế mang lại, gia đình đã chú trọng chăm sóc, tỉa cành, bón phân đúng quy trình và thời kỳ. Nhờ đó, vườn quýt trước kia cằn cỗi, sâu mọt, đến nay đang dần được hồi phục cho năng suất và chất lượng quả to đều. Với giá dao động khoảng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, vụ năm nay, thu nhập từ quýt mang lại cho gia đình được khoảng 50 triệu đồng.’’, chị Phiều cho biết thêm.

Anh Hà Văn Phơi, dân tộc Mường, bản PaBan, xã Thành Sơn cho biết, cây quýt thường cho quả vào mùa đông - xuân (từ tháng 11 âm lịch năm trước đến tháng 1 năm sau). Quả quýt khi thu hoạch to bằng chén trà loại nhỏ, lúc chín ngả màu vàng cam, vỏ hơi sần sùi rất dễ bóc. Quýt hôi có vị ngọt thanh, thơm mát đặc trưng. Theo kinh nghiệm, tập quán dân gian, quả quýt non hoặc chín có thể dùng làm thuốc nam, lá cây có thể làm gia vị. 

"Cây quýt hôi được trồng chủ yếu bằng hạt. Việc ươm giống và chăm sóc không quá khó, sau 1 năm chăm sóc cho cây sinh trưởng và phát triển, có thể để cây phát triển hoàn toàn tự nhiên. Vấn đề tiêu thụ loại quả này hiện đang rất thuận lợi. Hiện nay, gia đình tôi có 0,5 ha trồng quýt hôi, mang lại lợi nhuận khoảng 40 triệu đồng/năm.", anh Hà Văn Phơi cho biết.

Hiện, trên địa bàn huyện Bá Thước có khoảng 60 ha quýt hôi, trong đó được trồng tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm. Những năm gần đây, nhờ chăm sóc tốt, 1 ha quýt có thể cho sản lượng 6 tấn/năm, thu nhập 90 triệu đồng/ha/năm. Cá biệt, có một số vườn quýt sản lượng trên 10 tấn/năm, cho thu nhập 150-180 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước, Thanh Hóa cho biết, để phôi phục và phát triển giống quýt quý này, UBND huyện Bá Thước đã lồng ghép các chính sách từ Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh và bền vững hỗ trợ cho nông dân cây giống, phân bón để phát triển cây quýt trên địa bàn.

Thu hoạch quýt hôi. Ảnh: TTXVN phát

UBND huyện đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng Nông hoá (Từ Liêm- Hà Nội) nghiên cứu, lựa chọn trình UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận 6 cây giống đầu dòng; thực hiện đề tài “Phục hồi và phát triển giống quýt hôi trên địa bàn huyện Bá Thước” thuộc nguồn vốn khoa học công nghệ. 

Thời gian tới, UBND huyện Bá Thước tiếp tục thực hiện việc mở rộng thêm 10 ha quýt trong năm 2021, bảo tồn nguồn gen, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào việc chọn tạo và sản xuất giống cây đạt chất lượng và đưa cây quýt vào phát triển trong các hộ gia đình. Qua đó, mở rộng quy mô cả về diện tích lẫn chất lượng, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập và bảo vệ tài nguyên môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm ađặc trưng để phục vụ cho việc phát triển du lịch gắn liền với khu bảo tồn thiên thiên Pù Luông.

“Địa phương đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ xây dựng OCOP trong năm 2021 các sản phầm trà quýt, Siro quýt, quýt ngâm rượu, nước rửa chén…’’, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bá Thước cho biết thêm…

Theo KHIẾU TƯ (TTXVN)