Quá trình hình thành và phát triển cùng những dấu ấn của Công đoàn An Giang

25/07/2019 - 08:09

 - Cuối thế kỷ XIX, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời và phát triển trong công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Việt Nam. Giai cấp công nhân Việt Nam tuy ra đời muộn, nhưng hội đủ các đặc điểm của giai cấp công nhân thế giới, có tinh thần đoàn kết, tính tổ chức kỷ luật, sớm liên minh với nông dân, trí thức và các lực lượng yêu nước khác, đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào đấu tranh cách mạng, đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Trước năm 1929 ở Việt Nam đã có nhiều tổ chức Công hội, nghiệp đoàn được thành lập do ảnh hưởng của phong trào công nhân quốc tế và nhu cầu đấu tranh bảo vệ quyền lợi của công nhân lao động trong nước, mà tiêu biểu là tổ chức Công hội đỏ do Bác Tôn Đức Thắng - người công nhân ưu tú của quê hương An Giang sáng lập năm 1921, tạo bước ngoặt to lớn trong lịch sử đấu tranh của công nhân, đó là chuyển từ đấu tranh tự phát sang tự giác, từ việc đấu tranh chỉ để đòi quyền lợi trước mắt sang đấu tranh có tổ chức và mang tính chính trị, đồng thời đóng góp quan trọng vào phong trào đấu tranh của công nhân thế giới. Tuy tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng tổ chức Công hội đỏ đã gây tiếng vang lớn trong phong trào công nhân Nam Bộ và là cơ sở quan trọng góp phần hình thành tổ chức Công đoàn Việt Nam.   

Ở An Giang, cùng với Sài Gòn và một số tỉnh thuộc Nam Kỳ, từ những năm 1920 đã có tổ chức Công hội-tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay. Tháng 4-1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại Long Điền (Chợ Mới), từ đây tổ chức Công hội ở An Giang được củng cố, phát triển về mọi mặt, góp phần cùng quân - dân An Giang đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng quê hương. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đội ngũ công nhân lao động và tổ chức Công đoàn An Giang phấn khởi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ cải tạo và xây dựng cuộc sống mới. Tháng 1-1976, Liên hiệp Công đoàn tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất 2 tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền. Trải qua 10 kỳ đại hội với 43 năm xây dựng và phát triển giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn An Giang trưởng thành về mọi mặt, luôn là lực lượng nòng cốt trong mọi phong trào hành động cách mạng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà đạt được những thành tựu quan trọng.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 103.000 công nhân viên chức-lao động (CNVC-LĐ) và trên 99.000 đoàn viên đang sinh hoạt, làm việc tại 1.576 công đoàn cơ sở  cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp (DN), trong đó khu vực ngoài nhà nước có gần 43.000 đoàn viên. Đội ngũ trí thức ngày càng tăng, tập trung chủ yếu ở các ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, y tế, bưu chính-viễn thông; trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được được chuẩn hóa và nâng cao.

Đặc biệt, những năm gần đây, các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động, chủ động tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo và hỗ trợ; phối hợp chặt chẽ các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong mọi hoạt động; đẩy mạnh vai trò chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động (NLĐ) thông qua việc đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi hơn so với pháp luật quy định; hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho trên 136.000 đoàn viên, NLĐ nhân các dịp lễ, Tết với số tiền trên 41 tỷ đồng; cất mới 757 căn, sửa chữa 213 căn nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 37 tỷ đồng (DN hỗ trợ gần 5,5 tỷ đồng). Đáng chú ý, Liên đoàn lao động tỉnh đã sáng tạo thực hiện mô hình xây dựng “Mái ấm tập thể giáo viên” theo phương thức: địa phương bố trí đất - công đoàn xây nhà, nhờ cách làm này đã cất mới 33 “Mái ấm tập thể giáo viên” trị giá 21,5 tỷ đồng, bố trí cho trên 1.000 giáo viên có chỗ ở ổn định, yên tâm công tác; ký kết chương trình hợp tác với các DN thực hiện chính sách ưu đãi, giảm giá hàng hóa, dịch vụ; hợp đồng với Bệnh viện Đại học Y Dược (TP. Hồ Chí Minh) khám - tầm soát sức khỏe và tổ chức học tập kinh nghiệm kết hợp tham quan nghỉ mát cho đoàn viên công đoàn; tổ chức chương trình “Sân chơi công nhân cuối tuần”; Hội thao CNVC-LĐ và Liên hoan tiếng hát công nhân lao động trong các DN nhằm tạo sân chơi văn hóa, tinh thần cho NLĐ… qua đó có trên 66.092 đoàn viên được thụ hưởng.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn phối hợp chính quyền, DN tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua “Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”; thi đua “Chung sức xây dựng nông mới - đô thị văn minh”… góp phần phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, đơn vị. 5 năm qua đã có 25.969 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, giải pháp quản lý, 52 đề tài cấp tỉnh, 284 đề tài cấp cơ sở, 47 dự án, mô hình nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ được công nhận, có giá trị làm lợi trên 1.500 tỷ đồng, tạo điều kiện cho các đơn vị, DN tiết kiệm được chi phí, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh. Với những cống hiến và thành tích đạt được, có 2.398 tập thể, cá nhân được tặng thưởng các danh hiệu cấp nhà nước và Tổng Liên đoàn; Liên đoàn lao động tỉnh được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì; có 4.359 đoàn viên ưu tú được giới thiệu cho các cấp ủy xem xét, kết nạp vào Đảng.

Để tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn Việt Nam, đòi hỏi các cấp công đoàn trong tỉnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tập trung, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho NLĐ. Nâng cao hiệu quả đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa trong DN; phối hợp các nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hoá, phúc lợi phục vụ NLĐ tại các khu, cụm công nghiệp; thực hiện hiệu quả chương trình phúc lợi, ưu đãi cho đoàn viên và công tác an sinh xã hội, giúp đỡ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; luyện tay nghề, thi thợ giỏi gắn với thi đua “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

NGUYỄN THIỆN PHÚ