Quan hệ Việt Nam-Canada tiếp tục phát triển, vượt qua đại dịch

22/12/2020 - 13:36

Đại sứ Phạm Cao Phong cho biết, bất chấp đại dịch hoành hành, đà phát triển của quan hệ Việt Nam-Canada vẫn được duy trì và thúc đẩy với 5 cuộc điện đàm, họp trực tuyến giữa lãnh đạo hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Gần 50 năm đã trôi qua kể từ khi Việt Nam và Canada chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa hai nước đã chứng kiến nhiều tiến triển. Ở thời điểm năm 2020 - năm cả thế giới đảo lộn vì đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 - đang bước vào những ngày cuối cùng, phóng viên TTXVN tại Ottawa đã có cuộc trao đổi với Đại sứ Việt Nam tại Canada, ông Phạm Cao Phong, cùng chuyên gia Canada về một giai đoạn đặc biệt trong quan hệ song phương.

Đại sứ Phạm Cao Phong cho biết, bất chấp đại dịch hoành hành, đà phát triển của quan hệ Việt Nam-Canada vẫn được duy trì và thúc đẩy với 5 cuộc điện đàm, họp trực tuyến giữa lãnh đạo các bộ, ngành hai nước và tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao.

Bất chấp đại dịch hoành hành, đà phát triển của quan hệ Việt Nam-Canada vẫn được duy trì và thúc đẩy với 5 cuộc điện đàm, họp trực tuyến giữa lãnh đạo các bộ, ngành hai nước và tham vấn chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao (Ảnh:TTXVN)

Đây là cuộc tham vấn chính trị đầu tiên mà Bộ Ngoại giao Việt Nam tiến hành với nước khác theo hình thức trực tuyến. Trong các cuộc điện đàm, lãnh đạo các bộ, ngành Canada đều đánh giá cao mối quan hệ hợp tác với Việt Nam và vai trò Chủ tịch ASEAN của Việt Nam.

Đặc biệt, trong thời gian ngắn vừa qua, bốn bộ trưởng của Canada đã 5 lần tham gia các hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức tại Việt Nam theo hình thức trực tuyến. Tại Hội thảo về Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức ngày 16-11 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan phát biểu ủng hộ nỗ lực của Việt Nam và ASEAN trong việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông và Đông Nam Á. Một dấu mốc trong quan hệ song phương đó là trong năm qua, Canada đã thành lập Phòng Tuỳ viên quốc phòng tại Hà Nội, góp phần thúc đẩy quan hệ quốc phòng giữa hai nước phát triển. Canada cũng là Quốc gia Danh dự tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam (Vietnam FoodExpo) được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 12-2020.

Đại sứ Phạm Cao Phong khẳng định quan hệ chính trị phát triển đã tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế tăng trưởng, vượt qua những khó khăn trong đại dịch. Một minh chứng rõ nét đó là trong 10 tháng đầu năm nay, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada tăng 10,8%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam tăng 15,3%, đạt 5,1 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu 4.656 tỷ USD. Đây là những con số hết sức ấn tượng trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm.

Một số mặt hàng có kim ngạch tăng ngoạn mục như điện thoại di động tăng 42,5%, đồ điện tử và linh kiện tăng 64,6%, thuỷ sản chế biến tăng 23%, và đồ nội thất tăng 13,6%. Đáng chú ý, hai nước đã tăng cường hợp tác trong các chuỗi cung ứng vật dụng thiết yếu để đối phó với đại dịch. Hiện nay, khẩu trang do Việt Nam sản xuất đang được bày bán ở nhiều chuỗi cửa hàng tại Canada.

Một dấu ấn nữa trong quan hệ Canada-Việt Nam năm 2020 đó là quyết định của Chính phủ Canada viện trợ 700.000 CAD (tương đương hơn 500.000 USD) để giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của lũ lụt tại miền Trung. Canada cũng tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ về kỹ thuật trong việc thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Tuy nhiên, theo Đại sứ Phạm Cao Phong, quan hệ đầu tư giữa hai nước còn ở mức thấp, chưa tương xứng với tiềm năng cũng như với quan hệ chính trị tốt đẹp song phương.

Để tạo đà phát triển mối quan hệ Đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Canada, Đại sứ Phạm Cao Phong khuyến nghị lãnh đạo các bộ, ngành hai nước cần tiếp tục triển khai các cuộc điện đàm trực tuyến. Khi tình hình chống dịch cho phép, hai bên có thể tiến hành chuyến thăm của lãnh đạo một số bộ, ngành nhằm cụ thể hoá những chương trình, kế hoạch hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Đại sứ Việt Nam tại Canada Phạm Cao Phong (Ảnh: TTXVN/phát)

Đại sứ cũng cho rằng cần tăng cường hợp tác giữa các địa phương hai nước, đặc biệt là giữa Thành phố Hồ Chí Minh với thành phố Toronto kết nghĩa, và giữa tỉnh Quebec nói tiếng Pháp với các địa phương, bộ, ngành của Việt Nam. Ngoài ra, Đại sứ nhấn mạnh cần thúc đẩy liên kết kinh tế giữa hai nước – vốn có tính bổ sung cho nhau trong bối cảnh nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy – nhằm góp phần đảm bảo an ninh kinh tế. Hai nước cũng cần tăng cường sự phối hợp trên các diễn đàn quốc tế.

Vừa qua, Canada là một trong những nước đầu tiên đồng tác giả với Việt Nam - với tư cách Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) - trong việc đệ trình LHQ thông qua Nghị quyết về việc lấy ngày 27-12 hàng năm là Ngày quốc tế chống dịch bệnh. Cuối cùng, tuỳ theo tình hình dịch bệnh trên thế giới, hai nước cần tiến hành những biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác về du lịch, giáo dục, y tế, văn hoá nhằm tăng cường sự hiểu biết và quan hệ hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Đại sứ Phạm Cao Phong nhấn mạnh các biện pháp này, cùng với các biện pháp thúc đẩy quan hệ chính trị và kinh tế, là những bước đi để cụ thể hoá quan hệ Đối tác toàn diện đã được thiết lập 3 năm trước đây, hướng tới 50 năm kỷ niệm Quan hệ Ngoại giao giữa hai nước vào năm 2023. Đại sứ cũng bày tỏ lạc quan về triển vọng hợp tác song phương, tin tưởng sau khi đại dịch COVID-19 được khống chế trên quy mô toàn cầu, quan hệ Việt Nam - Canada sẽ có bước đột phá trên nhiều lĩnh vực, tương xứng với tiềm năng, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước

Trong khi đó, bà Christine Nakamura, Phó Chủ tịch Quỹ Châu Á-Thái Bình Dương, đánh giá cao tiềm năng hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Canada, đặc biệt là thông qua CPTPP. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Nakamura dự báo: “Tôi nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc phát triển nền kinh tế hai nước khi Việt Nam và Canada cùng là thành viên của CPTPP. Ngay cả trước khi tham gia CPTPP, quan hệ kinh tế song phương đã tăng trưởng ổn định, nhưng với CPTPP và ở thời kỳ hậu COVID-19, lợi ích chắc chắn sẽ tăng lên.” 

Bà Nakamura đánh giá Việt Nam mang lại nhiều cơ hội hợp tác khi cho thấy khả năng ứng phó với “thảm họa sóng thần” COVID-19 hiệu quả hơn tất cả các thành viên khác của ASEAN, với tốc độ tăng trưởng GDP ước vượt 7% vào năm 2021.

Một hướng hợp tác giữa hai nước cũng đã được bà Nakamura gợi mở. Bà cho rằng mặc dù Việt Nam hiện đang trong giai đoạn dân số trẻ, nhưng sẽ chứng kiến xu hướng già hóa nhanh chóng và đến năm 2050, khoảng 35% dân số sẽ trên 60 tuổi. Điều này sẽ mở ra cơ hội trong lĩnh vực dịch vụ và chăm sóc y tế vốn là thế mạnh của Canada. Việc Việt Nam mong muốn đón nhận những đổi mới công nghệ sẽ càng khuyến khích Canada tham gia vào thị trường này.

Theo HƯƠNG GIANG (TTXVN)