Năm 2021, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế từ những vùng đất nhiễm mặn, đất trồng lúa kém hiệu quả của các địa phương, từ nguồn kính phí khuyến nông Trung ương, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực.
Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên đất lúa chuyển đổi gắn với tiêu thụ sản phẩm thực hiện tại các xã Hồng Thủy (Lệ Thủy), Gia Ninh, Hàm Ninh, Vĩnh Ninh (Quảng Ninh), Đức Ninh (Đồng Hới) với tổng quy mô 4,7 ha.
Tôm càng xanh là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Nắm bắt được điều đó, từ năm 2018, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quảng Bình đã đưa giống tôm càng xanh vào nuôi thử nghiệm tại huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân kiểm tra tình hình phát triển của tôm càng xanh...
Để khẳng định được tính thích nghi và thành công của mô hình, năm 2019, 2020, Trung tâm tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trên đất lúa chuyển đổi vùng đất tại một số địa phương trong tỉnh Quảng Bình.
Tại các Hội nghị đánh giá, mô hình được người dân quan tâm, đánh giá cao, tôm càng xanh thích nghi tốt với điều kiện nuôi, thời tiết trong tỉnh, giá bán cao, mang lại hiệu quả kinh tế tốt.
Chị Hồ Thị Thủy, Phó Trưởng phòng Chuyển giao kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư cho biết: Năm 2021, Trung tâm chọn điểm nuôi là các vùng đất trước đây trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
Sau khi chọn được điểm nuôi phù hợp, đáp ứng được những yêu cầu mà mô hình đề ra, Trung tâm đã hướng dẫn với hộ tiến hành bơm cạn nước, tu sửa bờ ao, cống thoát nước, vét lớp bùn đáy cỏ cây, bắt và diệt óc, cá tạp, bón bôi khử trùng. Sau khoảng 1 tuần thì tiến hành cấp nước vào ao.
Nước cấp phải được lọc qua lưới lọc mịn, mức nước trong ao từ 1-1,2m. Sau khi để trứng cá nở hết mới tiến hành diệt tạp lại, sau 3-5 ngày tiến hành khử khuẩn, kiểm tra kỹ các yếu tố môi trường mới tiến hành thả giống.
Giống tôm càng xanh được chọn thả là giống tôm càng xanh toàn đực được mua tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản II, cơ sở sản xuất giống đóng ở Bạc Liêu.
Giống tôm khi thả phải có kích thức ≥13mm, bơi lội khỏe mạnh, màu sắc tươi sáng. Mật độ thả 10 con/m2, số lượng giống thả 470.000 con/4,7ha.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ thực hiện mô hình và các hộ ngoài mô hình với mục đích giới thiệu một số đặc điểm sinh học, công nghệ tạo con giống tôm càng xanh toàn đực; truyền đạt kiến thức kỹ thuật nuôi và những kinh nghiệm, lưu ý quan trọng trong việc tôm càng xanh toàn đực; cách phòng trị bệnh trên tôm; hướng dẫn khi chép nhật ký sản xuất, hạch toán hiệu quả kinh tế...
Do thời gian nuôi tôm rơi vào thời điểm nắng nóng, thời tiết thay đổi liên tục, các hộ còn thiếu kinh nghiệm trong nuôi tôm càng xanh do đó cán bộ kỹ thuật của Trung tâm thường xuyên bám hộ, bám mô hình để kịp thời phát hiện những thay đổi trong môi trường nước.
Điển hình như hộ bà Phạm Thị Tuyết Ngọc, hộ ông Trần Văn Dũng (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình), sau 1 tháng nuôi, hồ nuôi của 2 hộ thường xuyên mất màu nước, trong ao xuất hiện rong nhớt nhiều.
Cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã xuống trực tiếp hướng dẫn hộ ủ mật đường cám gạo để gây màu liên tục hạn chế rong phát triển, đồng thời vớt thủ công.
Một số hộ bị tảo lam nên phải sử dụng thuốc để diệt tảo. Ngoài ra, để cung cấp thêm oxy cho tôm tránh tôm nổi đầu, các hộ đã chuẩn bị quạt nước và máy bơm nước tạo dòng chảy trong ao vào buổi sáng.
Đến nay, sau hơn 5 tháng nuôi, tôm đã bắt đầu cho thu hoạch. Một số hộ đã cho thu tỉa nhằm đảm bảo hiệu quả kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Hộ ông Đặng Văn Thỏn, xã Đức Ninh, TP.Đồng Hới cho biết: Hiện gia đình ông đã cho thu tỉa tôm, với trọng lượng trung bình khoảng 25-30 con/kg, giá bán khoảng 200.000 đồng/kg. Như vậy, hiệu quả kinh tế của tôm càng xanh toàn đực mang lại cao hơn so với nuôi cá trước đây của gia đình.
Hộ chị Phạm Thị Tuyết Ngọc, xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy cũng đang cho thu hoạch tỉa tôm bán ra thị trường.
Chị cho biết, so với các loại thủy sản trước đây gia đình chị nuôi thì nuôi tôm càng xanh toàn đực hiệu quả cao hơn, giá tôm bán hiện tại khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg.
Mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng đến giá bán, thương lái thu mua khó khăn nhưng do tôm càng xanh được người tiêu dùng trong tỉnh khá quen thuộc và ưa chuộng, gia đình cũng chủ động trong việc thu tỉa nên việc tiêu thụ tôm không gặp nhiều khó khăn.
Mô hình nuôi tôm càng xanh bước đầu đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất bài bản, có liên kết nhằm tăng thu nhập cho hộ gia đình, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh hơn.
Theo Dân Việt