Quy hoạch tỉnh An Giang dần rõ nét

05/04/2023 - 06:26

 - Quy hoạch tỉnh là một trong những công cụ quản lý nhà nước quan trọng, là căn cứ khoa học, công cụ pháp lý để chính quyền các cấp sử dụng trong hoạch định cơ chế, chính sách, xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), hướng tới phát triển bền vững trên cả 3 trụ cột (kinh tế - xã hội - môi trường).

Một góc TP. Long Xuyên

An Giang có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh biên giới và đối ngoại của khu vực Tây Nam Bộ và cả nước. Dự thảo Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng hơn 2 năm nay.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL; ý kiến tư vấn, phản biện của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, chuyên gia, nhà khoa học; sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh; ý kiến cộng đồng dân cư… cơ quan lập quy hoạch tỉnh phối hợp đơn vị tư vấn nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện Báo cáo quy hoạch tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình, 2 địa phương hoàn thành quy hoạch sớm nhất trong vùng ĐBSCL là An Giang và Trà Vinh. Quy hoạch của An Giang được Hội đồng thẩm định cấp quốc gia đánh giá rất cao, thông qua trong 1 buổi. Ngoài ra, đã có sự đồng thuận của 12 tỉnh trong vùng và sự thống nhất của 22 bộ, ngành Trung ương.

Quy hoạch tỉnh nêu rõ quan điểm, định hướng phát triển và mục tiêu của tỉnh đến cuối thời kỳ quy hoạch, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 3 vấn đề: Phát triển KTXH, quốc phòng - an ninh; tổ chức, sắp xếp không gian phát triển; phát triển kết cấu hạ tầng. Theo mục tiêu tổng quát, đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển vững chắc hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm và một số ngành công nghiệp chế tác.

Đồng thời, là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, trung tâm nghiên cứu và phát triển giống nông nghiệp, giống thủy sản và dược liệu; là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Vương quốc Campuchia và các nước khu vực ASEAN, là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng.

Đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; là thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước; là đích đến của nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới…

Quy hoạch tỉnh đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung. Thứ nhất, chuyển đổi nhanh sang mô hình tăng trưởng dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững. Thứ hai, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh tại tỉnh. Thứ ba, phát triển kết cấu hạ tầng KTXH hiện đại, đồng bộ, bảo đảm tính kết nối, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông và các khu chức năng KTXH quan trọng. Thứ tư, phát huy các giá trị truyền thống, văn hóa, con người mang “đặc sắc” An Giang để bảo đảm phát triển bao trùm, bền vững và hướng tới thịnh vượng. Cuối cùng là quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn tài nguyên tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện tăng trưởng xanh, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo tính “xanh” trong mọi hoạt động của chính quyền, khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình.

Cùng với đó, tỉnh đề ra 4 khâu đột phá phát triển, gồm: Cải cách mạnh mẽ nền hành chính, xây dựng chính quyền số, thể hiện cam kết nhất quán của các cấp lãnh đạo trong điều hành, triển khai thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KTXH theo quy hoạch tỉnh. Thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hành lang kinh tế dọc theo tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, nhất là hệ thống giao thông kết nối đến Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, khu, cụm công nghiệp, đô thị động lực… Tỉnh sẽ phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng số, chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế số, xã hội số và thu hút đầu tư phát triển trọng điểm hạ tầng dịch vụ xã hội (đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe chất lượng cao); phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động.

Theo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, quy hoạch tỉnh đã được phân tích, xây dựng dựa trên hệ thống số liệu khá đầy đủ, đáng tin cậy về hiện trạng, tiềm năng, khả năng phát triển và đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, quy hoạch tỉnh cơ bản bám sát Chiến lược phát triển KTXH 10 năm (2021 - 2030), Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021 - 2025) và Quy hoạch vùng ĐBSCL. Chính vì thế, ngày 30/3, tại kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh (khóa X), nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; giao UBND tỉnh hoàn thiện thủ tục, hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo quy định.

“Trước đây, luôn diễn ra tình trạng “cung vượt cầu”, dẫn đến “được mùa, mất giá”. Bản quy hoạch kỳ vọng sẽ khắc phục được tình trạng đó. Sau khi quy hoạch được phê duyệt, tùy theo đặc điểm, tình hình KTXH của vùng, tỉnh giao cho mỗi địa phương nhiệm vụ riêng, quy định rõ nơi nào phát triển đô thị, nơi nào phát triển nông nghiệp, du lịch… Không để tái diễn tình trạng muốn trồng gì thì trồng, thấy ai trồng có giá lại trồng theo” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

GIA KHÁNH