Sản xuất an toàn trong thời tiết phức tạp

24/08/2023 - 06:28

 - Để tận dụng thời cơ lúa gạo, tỉnh An Giang quyết tâm bảo vệ sản xuất vụ thu đông 2023 trong mùa mưa lũ; tạo điều kiện tốt nhất cho vụ chính đông xuân 2023 - 2024. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết phức tạp có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản, cần tập trung theo dõi để ứng phó kịp thời.

Diễn biến khó lường

Ghi nhận những tháng đầu mùa mưa 2023, trên khu vực Biển Đông mới xuất hiện 2 cơn bão, trong đó cơn bão số 1 (TALIM) đi vào vùng đất liền phía Tây Tây Bắc của Việt Nam; cơn bão số 2 (DOKSURI) hình thành ở khu vực Bắc Biển Đông, đi sâu vào đất liền tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc).

Dù ở cách khá xa khu vực Nam Bộ, nhưng hoàn lưu bão vẫn gây mưa lớn trên diện rộng, kèm theo giông, lốc mạnh ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất tại tỉnh An Giang. Cuối tháng 7 (thời gian ảnh hưởng bão số 2), có 4.790ha lúa và hoa màu bị ngập úng do mưa lớn.

Riêng huyện Tri Tôn, mưa lớn kéo dài trên diện rộng vào ngày 30/7/2023 gây lũ núi tại khu vực Ô Tà Sóc, dưới chân núi Dài (thuộc xã Lương Phi), thiệt hại 14 căn nhà, trên 250ha lúa bị ngập, hư hại Đường tỉnh 955B.

Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang Lưu Văn Ninh cho biết, từ tháng 6 đến giữa tháng 8/2023, gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên tình hình thời tiết trong tỉnh chuyển xấu hơn, mưa tăng về cả diện và lượng. Riêng tháng 7, lượng mưa tăng cao hơn trung bình từ 40,6 - 284,5mm, đặc biệt tại các trạm: Vĩnh Hanh (284,5mm), Long Xuyên (264,4mm), Tri Tôn (245,6mm), Vĩnh Gia (231,2mm), Lò Gạch (21,4mm), Núi Sập (203,4mm)…

Trong tháng 6 và 7, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua trạm Tân Châu và Châu Đốc lần lượt thấp hơn cùng kỳ 2022 là 42% và 19%. Tuy nhiên, từ cuối tháng 7, lượng mưa gia tăng, trên lưu vực sông Mekong xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên tại Kratie (Vương quốc Campuchia) khoảng 4m, sau đó xuống chậm.

Tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong nửa đầu tháng 8 ở mức cao hơn cùng kỳ 2022 khoảng 35%, kéo theo mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long; vùng hạ lưu sông tại Long Xuyên, Chợ Mới, Vàm Nao; khu vực nội đồng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) đều lên cao hơn cùng kỳ 2022. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8, mực nước khu vực đầu nguồn và vùng hạ lưu sông xuống thấp hơn cùng kỳ từ 0,4 - 0,55m; khu vực nội đồng TGLX, mực nước xuống chậm, vẫn còn xấp xỉ và cao hơn cùng kỳ từ 0,2 - 0,5m.

Nâng cao cảnh giác

Theo dự báo của các trung tâm khí hậu trên thế giới và Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino và tiếp tục duy trì tới đầu năm 2024, xác suất khoảng 85 - 95%. Từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 5 - 7 cơn bão, áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng 2 - 3 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam. Từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024, có khoảng 1 - 2 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, có khả năng ảnh hưởng đến các tỉnh phía Nam.

Ông Lưu Văn Ninh cho biết, từ giữa tháng 10 trở đi, không khí lạnh tăng cường mạnh về phía Nam, nén rãnh áp thấp về phía Nam, có trục đi qua khu vực Nam Bộ. Do vậy, cần đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ; khả năng vùng áp thấp, áp thấp nhiệt đới hoặc bão hình thành trên rãnh áp thấp ảnh hưởng đến khu vực biển và đất liền Nam Bộ.

Dự báo tháng 9/2023, thời tiết An Giang phổ biến nhiều mưa, nhiều ngày có mưa trên diện rộng với nhiều đợt mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa cao hơn trung bình khoảng 5 - 10%. Sang tháng 10, mưa nhiều trong nửa đầu tháng, một vài ngày có mưa trên diện rộng; tháng 11, tổng lượng mưa thấp hơn từ 10 - 20%. Mùa mưa năm 2023 khả năng kết thúc sớm hơn trung bình từ 5 - 10 ngày, có thể vào giữa tháng 11. Tháng 12, tổng lượng mưa thấp hơn từ 10 - 20%; tháng 1 - 2/2024, phổ biến ít mưa. Ngoài ra, cần đề phòng xuất hiện thời tiết nguy hiểm, như: Giông, sét, lốc, mưa đá và các đợt mưa lớn diện rộng, mưa lớn cục bộ trong các tháng cao điểm mùa mưa, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Từ giữa tháng 8 đến tháng 11/2023, tổng lượng dòng chảy trên sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long qua trạm Tân Châu và Châu Đốc có xu thế tăng dần, nhưng vẫn thấp hơn trung bình từ 5 - 15%. Từ tháng 12/2023 - 2/2024, tổng lượng dòng chảy có xu thế giảm dần, khả năng thấp hơn trung bình từ 10 - 20%.

Do vậy, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long dự báo xấp xỉ hoặc dưới báo động (BĐ) 1 khoảng 0,2m, thấp hơn cùng kỳ 2022 từ 0,3 - 0,5m; đỉnh lũ khu vực nội đồng TGLX khả năng trên BĐ1 từ 01 - 0,3m, thấp hơn cùng kỳ từ 0,2 - 0,4m. Đối với vùng hạ lưu sông, mực nước cao nhất năm tại Vàm Nao và Chợ Mới khả năng trên BĐ1 từ 0,2 - 0,4m, thấp hơn cùng kỳ từ 0,4 - 0,6m; trên sông Hậu tại Long Xuyên xấp xỉ và trên BĐ3 từ 0,05 - 0,1m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ ở các trạm khoảng giữa tháng 10.

Cần đề phòng khả năng gây ngập lụt, úng tại khu vực có địa hình trũng, thấp, vùng ven sông, đặc biệt là khu vực đô thị TP. Long Xuyên trong các đợt triều cường dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn và mưa lớn nội vùng.

Trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, do ảnh hưởng của El Nino, lượng mưa thiếu hụt ở hầu hết các nơi trên khu vực, tổng lượng dòng chảy sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long khả năng thiếu hụt rất lớn; xâm nhập mặn vùng ĐBSCL khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương cần sớm có biện pháp chủ động phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

HOÀNG XUÂN