Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới Đoàn Thanh Lộc cho biết, Chợ Mới có 84 tiểu vùng sản xuất nông nghiệp đê bao khép kín, với tổng diện tích 24.712ha, trong đó 57 tiểu vùng sản xuất lúa với 12.641ha. Các tiểu vùng đã được bao đê kiểm soát lũ từ những năm 1998 - 2002, đã không được xả lũ khoảng 18 - 22 năm. Các địa phương, như: Hòa Bình, Hòa An, An Thạnh Trung, Hội An do nông dân sử dụng giống ngắn ngày và có thể điều tiết được nước lũ vào đồng ruộng.
Ông Đoàn Thanh Lộc thông tin, sản xuất thâm canh 3 vụ liên tục trong nhiều năm, nhưng không được xả lũ nên ngày càng làm gia tăng chi phí đầu tư, tình hình dịch hại ngày càng nhiều và năng suất có xu hướng giảm dần.
Trong khi đa số nông dân sử dụng giống lúa chất lượng cao để đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, tuy nhiên các giống lúa chất lượng cao thường có thời gian sinh trưởng dài ngày.
Vì vậy, mỗi tiểu vùng sản xuất lúa sau 2 - 3 năm sẽ trễ so với thời vụ xuống giống chung của tỉnh. Chính vì thế, cần thiết xây dựng kế hoạch sản xuất lúa “2 năm, 5 vụ” trên địa bàn. Trong đó, ngưng vụ cho từng tiểu vùng sản xuất lúa của từng năm, bắt đầu từ năm 2024 - 2025 để các địa phương và nông dân chủ động thực hiện.
Sản xuất lúa "2 năm 5 vụ", cùng với cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất
Sản xuất lúa “2 năm, 5 vụ” tạo điều kiện cắt đứt các mầm bệnh trong đất và cho đất có thời gian nghỉ ngơi phục hồi dinh dưỡng; giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận, sản xuất an toàn bền vững. Đồng thời, đảm bảo diện tích lúa phải xuống giống theo đúng khung lịch thời vụ chung của tỉnh.
“Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện kế hoạch ngưng vụ phải được tiến hành đúng trình tự, có sự đồng thuận cao của nông dân sản xuất trong từng tiểu vùng, đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả” - ông Lộc chia sẻ.
Theo đó, Chợ Mới dự kiến ngưng vụ năm 2024 - 2025 trên 22 tiểu vùng với diện tích 5.730ha. Riêng các địa phương: An Thạnh Trung, Hòa An, Hòa Bình, Hội An do nông dân có tập quán sử dụng giống lúa ngắn ngày và vẫn điều tiết nước lũ vào được, nên không thực hiện ngưng vụ và xã Long Điền B hiện đang sản xuất đúng lịch thời vụ, nên không thực hiện ngưng vụ.
Cụ thể, năm 2024 ngưng vụ 10 tiểu vùng với diện tích 2.504ha ở các xã: Mỹ Hội Đông, Kiến Thành, Nhơn Mỹ, Long Giang, Long Kiến và Long Điền A. Năm 2025, ngưng vụ 12 tiểu vùng, với diện tích 3.226ha ở các xã: Kiến An, Mỹ Hội Đông, Kiến Thành, Nhơn Mỹ, Long Giang, Long Kiến và thị trấn Mỹ Luông.
UBND huyện Chợ Mới giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, lịch thời vụ xuống giống lúa cụ thể theo từng vụ, từng năm phù hợp với điều kiện thực tế. Tham mưu UBND huyện nâng cấp, duy tu hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phục vụ tốt cho sản xuất và chỉ đạo tăng cường tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mỗi vụ trong năm.
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông tuyên truyền, vận động nông dân hiểu rõ lợi ích của việc xuống giống lúa đúng lịch thời vụ. Thực hiện các giải pháp kỹ thuật đảm bảo thúc đẩy xuống giống đúng lịch thời vụ. Theo dõi, dự báo diễn biến tình hình dịch hại, thông báo và hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
Thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra, thăm đồng phát hiện kịp thời các loại dịch hại, giúp nông dân chủ động phòng trừ. Đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất tiên tiến theo các tiêu chuẩn, khuyến cáo người dân sản xuất các loại cây trồng khác ngắn ngày phù hợp trong thời gian ngưng vụ, đảm bảo có hiệu quả, tăng thu nhập.
UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch sản xuất chi tiết cho từng tiểu vùng trong năm, đảm bảo xuống giống đúng lịch thời vụ và trong một tiểu vùng không để nhiều trà lúa đan xen nhau. Tổ chức họp dân thông tin về kế hoạch ngưng vụ, để lấy ý kiến về sự đồng thuận của người dân.
Đồng thời, tuyên truyền về lợi ích sản xuất đúng lịch thời vụ; hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ dịch vụ bơm tưới hiệp thương chi phí bơm nước để phục vụ sản xuất. Rà soát lại kênh mương nội đồng và hệ thống tưới tiêu để có kế hoạch nạo vét kịp thời. Vận động, khuyến cáo nhân dân thay đổi tập quán canh tác, tích cực ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, tham gia đào tạo về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Năm 2022, tổng diện tích gieo trồng của huyện Chợ Mới 57.145/58.826ha, đạt 97,14% kế hoạch năm (giảm 1.638ha so cùng kỳ). Trong đó, diện tích lúa 34.452/36.684ha (giảm 1.708ha); diện tích màu 22.693/22.136ha, giảm 520ha so cùng kỳ. Diện tích sản xuất lúa giống 3.135,5/3.822ha. Năng suất bình quân 3 vụ đạt 6,32 tấn/ha, sản lượng ước đạt 217.737 tấn. Cây màu xuống giống 22.693/22.136ha, giảm 520ha so cùng kỳ.
Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2022 đạt khá: Cây lúa đạt 123,49 triệu đồng/ha, giảm 1,92 triệu đồng/ha so năm 2021; cây màu đạt 464,21 triệu đồng/ha, tăng 1,1 triệu đồng/ha so năm 2021; cây hàng năm và thủy sản nuôi (trừ cá bè) đạt 393,76 triệu đồng/ha, tăng 37,18 triệu đồng/ha so năm 2021. Giá trị sản xuất bình quân 1ha cây lâu năm đạt 193,44 triệu đồng/ha, giảm 77,33 triệu đồng/ha so năm 2021.
Diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng” chiếm 96,3% diện tích. Có 21 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phục vụ xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện được cấp 63 mã số vùng trồng với diện tích 7.119ha cho lúa, rau màu, cây ăn trái.
6 tháng đầu năm 2023, tổng diện tích gieo trồng 39.905/58.228ha, giảm 1.447ha so cùng kỳ. Trong đó, lúa xuống giống 24.729/36.032ha (tăng 17ha so cùng kỳ); màu xuống giống 15.176/22.196ha (tăng 1.430ha so cùng kỳ). Huyện tiếp tục khuyến khích chuyển dịch cơ cấu cây trồng có giá trị sản xuất cao hơn, duy trì ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
|
HẠNH CHÂU