Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

14/03/2023 - 06:48

 - Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phú Tân chuyển đổi mạnh mẽ về cơ cấu cây trồng. Trong đó, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đã tạo sự lan tỏa trong việc thay đổi tư duy của người dân. So với sản xuất theo mô hình và phương pháp truyền thống, nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao không chỉ đem lại kết quả vượt trội, mà còn đáp ứng các tiêu chuẩn cao của thị trường.

Những điểm sáng

Đầu tư 350 triệu đồng thực hiện mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng kết hợp tưới nhỏ giọt, anh Lê Sơn Nam (xã Phú Lâm) cho rằng, chi phí ban đầu khá nặng nhưng hướng sản xuất công nghệ cao rất phù hợp và xứng đáng. Giống dưa lưới anh Nam chọn canh tác là TL3, có hình dáng trái tròn đều, vỏ mỏng xanh nhạt, thịt dày mịn màu cam và mùi thơm nhẹ đặc trưng. Đây là loại dưa được trồng từ hạt giống TL3 F1 thuần chủng xuất xứ Nhật Bản; từ lúc gieo trồng, chăm sóc, đến tuyển chọn bán ra thị trường hoàn toàn không có chất bảo quản. Dưa lưới TL3 có vân lưới càng dày thì độ ngọt càng cao.

Đến nay, thu hoạch qua nhiều vụ, mỗi vụ dưa lưới bán cho công ty, sau khi trừ chi phí, anh Nam còn lời từ 30 - 40 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so các mô hình trồng trọt trước đây anh thực hiện. Đặc biệt dịp Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, giá bán dưa lưới trội hơn các vụ khác trong năm. Nhờ sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoàn toàn tự động, anh Nam tiết kiệm đáng kể lượng nước và sử dụng nhân công. Quy trình chăm sóc đảm bảo chặt chẽ về chế độ dinh dưỡng cho cây, sau hơn 70 ngày trồng, mỗi dây dưa lưới cho trái đạt 1,5kg, năng suất gần 2 tấn cho 1.000m2 nhà màng...

Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đang cho hiệu quả tích cực

Tận dụng nguồn rơm sau thu hoạch lúa, nếp, anh Trần Tấn Tài (xã Phú Hưng) thực hiện phương pháp trồng nấm trong nhà, tạo ra nguồn nấm sạch, ít bị tác động thời tiết và có thể sản xuất quanh năm. Trải nghiệm công việc và tìm hiểu mô hình ở nhiều nơi, anh Tài nhận ra mô hình trồng nấm trong nhà vẫn có nhược điểm là độ ẩm không ổn định, ảnh hưởng đến năng suất. Khi thực hiện nhà nấm, anh lắp đặt hệ thống điều chỉnh nhiệt độ và ẩm độ tự động. Ngoài ra, anh sử dụng tro để phủ bề mặt meo nấm với mục đích giữ ẩm, kích thích nấm ra nhanh, đều, hạn chế nấm bị chết non...

Từ tháng 9/2020, thử sức trồng 1 nhà nấm đầu tiên, đến nay hộ của anh Tài đã phát triển 3 nhà nấm, tổng diện tích hơn 100m2, chi phí đầu tư trên 100 triệu đồng. Phương pháp trồng nấm được anh kết hợp cả dạng trụ và trên kệ để đánh giá kết quả tối ưu. Anh Tài cho biết, so với kỹ thuật trồng nấm ngoài trời, mô hình hiện tại cho năng suất cao hơn gấp 2,5 lần, lợi nhuận cao hơn 3 lần. Mỗi ngày, nhà nấm cho thu hoạch 10 - 15kg, giá bán bình quân 70.000 đồng/kg. Bên cạnh, nấm có thể sản xuất liên tục khoảng 15 vụ trong năm. Ngoài bán nấm tươi cho bạn hàng ở địa phương, TP. Long Xuyên, sắp tới anh còn thử nghiệm làm nấm rơm sấy khô để bảo quản lâu hơn và mở rộng tiêu thụ.

Mở rộng liên kết

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Tân, toàn huyện có 10 nhà màng với tổng diện tích 9.300m2. Trong đó, có 8 nhà màng trồng dưa lưới ở các xã Bình Thạnh Đông, Tân Hòa, Phú Thạnh, Hiệp Xương và Phú Lâm đang hoạt động sản xuất. Bước đầu tuy giá bán của sản phẩm dưa lưới cao hơn so với canh tác truyền thống, nhưng việc liên kết và đưa sản phẩm vào siêu thị còn nhiều khó khăn. Nông dân mong muốn các mô hình được nâng thêm giá trị thông qua liên kết bền vững, để giá bán cao hơn, tiêu thụ mở rộng. Còn mô hình trồng nấm (nấm rơm và nấm bào ngư) trong nhà, hiện trên địa bàn có 13 nhà trồng nấm với diện tích 1.809m2, ngoài cung cấp nguồn nấm tươi còn bán phôi nấm, tạo thu nhập ổn định cho các chủ hộ.

Đến nay, toàn huyện Phú Tân có 223 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngành nông nghiệp huyện đã xét hỗ trợ, theo dõi 107 mô hình, tổng kinh phí 7,62 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2017 - 2020). Các mô hình này đang phát triển tốt, hiệu quả kinh tế khả quan. Trong đó, trồng trọt có 88 mô hình được hỗ trợ hệ thống tưới bán tự động trên vườn cây ăn trái (34 mô hình tưới nhỏ giọt, 54 mô hình tưới phun). Bên cạnh còn có 8 mô hình nhà màng trồng dưa lưới và rau thủy canh theo hướng an toàn. Chăn nuôi thủy sản trên địa bàn huyện cũng đang phát triển theo hướng phù hợp, với 9 mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm mật độ cao và 1 mô hình nuôi cá nàng hai trong vèo ứng dụng công nghệ cao.

Phú Tân xác định phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những trụ cột trong phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, địa phương tiếp tục tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất giúp giảm sức lao động, giảm chi phí, đưa giá thành sản phẩm lên cao, hàng hóa làm ra tiêu thụ dễ dàng. Ngành nông nghiệp huyện sẽ triển khai nhân rộng mô hình trồng rau màu theo hướng công nghệ cao, trồng nấm trong nhà. Đồng thời, duy trì và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện được huy động từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.

HOÀI ANH