Viện Tata ở Mumbai (Ấn Độ) cho biết đã phát triển một loại thuốc điều trị ung thư với giá dự kiến hơn 1 USD/viên.
Theo India Today, viên thuốc chứa hợp chất R+Cu là kết quả của quá trình nghiên cứu và thử nghiệm sâu rộng trong hơn 10 năm. Nhóm tác giả cho hay, thuốc không chỉ ngăn ngừa ung thư tái phát mà còn giảm 50% tác dụng phụ liên quan đến các phương pháp điều trị như xạ trị và hóa trị.
Các bác sĩ không ngừng tìm kiếm các loại thuốc điều trị ung thư. Ảnh minh họa: India Today
Hiệu quả của viên thuốc R+Cu giúp giảm tác dụng phụ của hóa trị, xạ trị đã được thử nghiệm trên cả người và chuột. Trong khi đó, kết quả ngăn ngừa ung thư tái phát mới chỉ được nghiên cứu trên chuột. Các thử nghiệm trên người dự kiến kéo dài từ 5 năm trở lên.
Tiến sĩ Rajendra Badve, bác sĩ phẫu thuật ung thư tại Bệnh viện Tata Memorial và là thành viên của nhóm nghiên cứu, đã đưa ra giải thích về quá trình này.
"Các tế bào ung thư ở người được đưa vào cơ thể chuột. Sau đó, chuột được điều trị bằng xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Tế bào ung thư chết đi vỡ thành những mảnh nhỏ (chromatin) di chuyển đến các bộ phận khác của cơ thể qua đường máu, biến các tế bào khỏe mạnh thành ung thư”, Tiến sĩ Badve giải thích.
Để giải quyết vấn đề trên, các nhà khoa học cho chuột uống những viên thuốc chống oxy hóa chứa resveratrol và đồng (R+Cu). Viên R+Cu tạo ra các gốc oxy trong dạ dày nhanh chóng đi vào máu, phá hủy chromatin một cách hiệu quả, ức chế quá trình di căn ung thư.
Nhóm tác giả cũng khẳng định rằng viên R+Cu làm giảm độc tính liên quan đến hóa trị. Họ kỳ vọng, loại thuốc này sẽ làm giảm 50% tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị ung thư và đạt 30% hiệu quả ngăn ngừa ung thư tái phát.
Viên thuốc được dự đoán có thể chống lại các bệnh ung thư ảnh hưởng đến tuyến tụy, phổi và vùng miệng.
Các bác sĩ đang chờ sự chấp thuận của Cơ quan Tiêu chuẩn và An toàn Thực phẩm Ấn Độ (FSSAI). Sau khi được phê duyệt, thuốc dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào tháng 6-7 với giá thành khoảng 1 USD/viên. Tuy nhiên, nhóm tác giả chưa tiết lộ, mỗi bệnh nhân sẽ phải sử dụng bao nhiêu thuốc, trong bao nhiêu lâu để đạt được hiệu quả như họ tuyên bố.
Theo AN YÊN (Vietnamnet)