Sẽ có vắc-xin ung thư trước năm 2030?

17/10/2022 - 20:05

Những nhà sáng lập của công ty BioNTech (Đức) khẳng định việc lưu hành vắc-xin điều trị ung thư chỉ là vấn đề thời gian.

Theo trang Insider, hai vợ chồng nhà khoa học Uğur Şahin và Özlem Türeci, đồng sáng lập công ty BioNTech, đã dự đoán rằng vắc-xin ung thư có thể được phổ biến rộng rãi trong vòng một thập kỷ tới.

BioNTech là công ty công nghệ sinh học hợp tác với Pfizer để phát triển vắc-xin mRNA hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Trong cuộc phỏng vấn trong chương trình "Chủ nhật với Laura Kuenssberg" trên đài BBC(Anh), GS Özlem Türeci cho biết: "Chúng tôi cho rằng phương pháp chữa khỏi ung thư hoặc thay đổi cuộc sống của bệnh nhân ung thư đang nằm trong tầm tay của chúng tôi".

GS Uğur Şahin và GS Özlem Türeci, đồng sáng lập Công ty BioNTech, trong chương trình "Chủ nhật với Laura Kuenssberg" trên Đài BBC. Ảnh: BBC

GS Uğur Şahin cho biết vắc-xin ung thư sẽ được tạo ra dựa trên những đột phá mà các nhà khoa học đạt được trong quá trình phát triển vắc-xin COVID-19 và có thể được phổ biến rộng rãi chỉ trong vòng 8 năm.

"Chúng tôi tin chắc rằng vắc-xin điều trị ung thư sẽ được sản xuất trước năm 2030" - GS Şahin nói với BBC.

Hy vọng của họ là vắc-xin đang được phát triển bằng công nghệ mRNA sẽ hướng dẫn cơ thể nhận ra và tấn công các loại ung thư.

GS Şahin giải thích: "Mục tiêu của chúng tôi là sử dụng phương pháp tiếp cận vắc-xin cá nhân hóa để đảm bảo rằng ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân sẽ nhận được loại vắc-xin phù hợp với họ. Chúng tôi tạo ra phản ứng miễn dịch để tế bào T trong cơ thể bệnh nhân có thể sàng lọc các tế bào ung thư còn sót lại và loại bỏ chúng hoàn toàn".

Theo báo The New York Times, ban đầu BioNTech tập trung phát triển các công nghệ mRNA nhằm điều trị ung thư nhưng lại thành công trước với vắc-xin COVID-19.

Một nhân viên y tế chuẩn bị một liều Moderna COVID-19 ở quận Brooklyn, New York - Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Khi được hỏi liệu có khi nào vắc-xin ung thư không có tác dụng hay không, GS Türeci khẳng định: "Mọi thứ chúng tôi đã học về hệ thống miễn dịch và những gì chúng tôi đạt được với vắc-xin ung thư cho thấy về nguyên tắc, chúng tôi có thể tạo ra các tế bào T đó và hướng chúng diệt các tế bào ung thư".

Tuy nhiên, GS Türeci nói vẫn còn phải xem xét các loại can thiệp y tế khác sẽ được các bác sĩ sẽ sử dụng để kết hợp với vắc-xin và những điều chỉnh để đảm bảo bệnh nhân được chữa khỏi.

"Mỗi công đoạn và mỗi bệnh nhân mà chúng tôi điều trị trong các thử nghiệm ung thư này giúp chúng tôi hiểu thêm về những gì chúng tôi đang làm và cách giải quyết vấn đề đó" - GS Türeci kết luận.

Theo KHÁNH THU (Báo Người Lao Động)