Sở Giao thông - Vận tải An Giang giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3, 4

19/03/2020 - 07:02

 - Thời gian qua, Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) An Giang đã triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp với quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC): cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, ứng dụng công nghệ thông tin vào CCHC... đồng hành cùng các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả Sở Giao thông - Vận tải

Sở GTVT có 115 TTHC lĩnh vực GTVT đường bộ, đường thủy nội địa. Hàng năm, tiếp nhận hơn  30.000 hồ sơ người dân và tổ chức, DN gửi yêu cầu giải quyết TTHC. Ngoài ra, tiếp nhận hồ sơ và tổ chức sát hạch cấp bình quân từ 50.000-60.000 giấy phép lái xe. Nhiều năm liền, Sở GTVT luôn hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ CCHC đề ra.

Năm 2019, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết 86/120 TTHC so với quy định từ 50-60%; ban hành 6 quyết định công bố bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các TTHC.

Tiếp nhận hơn 30.000 hồ sơ của người dân, tổ chức, DN qua hệ thống các bưu cục, đăng ký trực tuyến và tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả Sở GTVT, Trung tâm Phục vụ Hành chính công. Giải quyết và trả đúng hạn hơn 30.000 hồ sơ, trong đó thực hiện trực tuyến mức độ 3 và 4 là 27.309 hồ sơ.

Ngoài ra, Thanh tra Sở GTVT phối hợp bưu điện thực hiện dịch vụ thu hộ tiền xử phạt và thay mặt công dân hoàn tất thủ tục đóng phạt để chuyển giấy tờ liên quan do vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường thủy nội địa đến tay công dân 1.573 vụ, số tiền gần 2,789 tỷ đồng.

Sở GTVT đã triển khai thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” phát hành 167 văn bản qua hệ thống thư điện tử (e-mail) đến các cơ quan chức năng thuộc bộ và các Sở GTVT xác minh hồ sơ, giấy phép lái xe môtô, ôtô các hạng do các cơ quan này cấp để làm thủ tục đổi, cấp lại và thi nâng hạng theo yêu cầu của người dân...

Phó Giám đốc Sở GTVT Đỗ Văn Thơm cho biết, Sở GTVT chủ động nghiên cứu, đổi mới phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu quả CCHC, cải cách TTHC nhằm phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn, hiệu quả. Sở GTVT đã xây dựng phương án số 724/PA-SGTVT “Nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC qua dịch công trực tuyến mức độ 3, 4” trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin triển khai nhiều cách thức tiếp nhận, giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng internet; hệ thống dịch vụ bưu chính công ích; gắn với hệ thống công quyền “Một cửa huyện - Một cửa xã”.

Ông Thơm cho biết, dịch vụ công mức độ 3: nhận hồ sơ trực tiếp tại Bộ phận “một cửa” cơ quan, Trung tâm Phục vụ Hành chính công và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh, bảo đảm. Tiếp tục triển khai việc tiếp nhận đăng ký giấy phép lái xe trực tuyến qua hệ thống phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Dịch vụ công trực tuyến quốc gia).

Dịch vụ công mức độ 4: tiếp nhận hồ sơ người dân, đăng ký tại các Bưu cục xã, phường, thị trấn thuộc Bưu điện An Giang. Tiếp nhận hồ sơ người dân, DN đăng ký kê khai trực tuyến TTHC tại Bộ phận “Một cửa huyện - Một cửa xã”. Lãnh đạo UBND 11 huyện, thị xã, thành phố đồng thuận, ủng hộ và hợp tác triển khai thực hiện.

Tháng 10-2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành quyết định chính thức triển khai thực hiện nội dung này. Theo quyết định, Sở GTVT có 86/115 TTHC lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa được giao tiếp nhận tại bộ phận “Một cửa huyện - Một cửa xã”.

Ngay khi nhận được quyết định, Sở GTVT đã mời lãnh đạo các địa phương, Bưu điện An Giang, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh bàn thống nhất kế hoạch thực hiện. Đồng thời, hướng dẫn cho hơn 200 công chức tiếp nhận hồ sơ và nhân viên bưu điện về TTHC GTVT... tiếp nhận hồ sơ từ “Một cửa huyện - Một cửa xã” từ các huyện gửi về, qua đó đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của lãnh đạo các địa phương.

Theo ông Thơm, cách làm này mở ra nhiều hướng tiếp nhận hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, DN và người dân có nhu cầu chủ động chọn lựa cách thức thực hiện TTHC ngay tại địa phương nơi cư trú, nơi lao động, học tập, nơi đặt trụ sở làm việc, không cần phải đến TP. Long Xuyên, đến Sở GTVT, Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh để nộp hồ sơ và nhận kết quả.

Người dân, DN hưởng nhiều lợi ích: được hướng dẫn trực tiếp TTHC; không mất thời gian, công sức đi lại làm thủ tục; tiết kiệm chi phí ít nhất 500.000 đồng/hồ sơ để thực hiện TTHC. Cách làm này góp phần công khai minh bạch hồ sơ TTHC; tăng cường sự giám sát của chính quyền cơ sở và người dân trong quá trình thực hiện quy trình TTHC.

Năm 2020, Sở GTVT phối hợp UBND các địa phương, Bưu điện An Giang tổ chức thực hiện hiệu quả các mô hình trong phương án; mở rộng TTHC tiếp nhận tại Bộ phận “Một cửa huyện - Một cửa xã”, trong đó có thủ tục đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

Sở GTVT đề nghị Sở Nội vụ xem xét đầu tư thêm trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực hoạt động, phục vụ của Bộ phận “Một cửa huyện - Một cửa xã”. Tham mưu HĐND, UBND tỉnh xây dựng, ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ. UBND huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền rộng rãi để người dân, tổ chức, DN ở địa phương biết; thường xuyên phối hợp, chỉ đạo chặt chẽ việc tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

HẠNH CHÂU