Sơ ri, cây trồng giảm nghèo của bà con nông dân

10/06/2021 - 05:06

 - Bén duyên với vùng đất Chợ Mới cách đây khoảng 20 năm, sơ ri đang là một trong những loại cây trồng chủ lực được nhiều nông dân lựa chọn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Với nhiều ưu điểm vượt trội, như: dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, cho thu nhập quanh năm, đầu ra ổn định... cây sơ ri giúp nhiều hộ nông dân huyện cù lao cải thiện cuộc sống.

Dễ trồng, chi phí thấp

Vườn sơ ri của gia đình ông Lê Minh Trang (xã Hòa An, huyện Chợ Mới) đang cho thu hoạch trái. Ông Trang cho biết, vườn sơ ri rộng khoảng 3 công đất (3.000m2) được trồng cách đây hơn 15 năm. Trước khi trồng cây sơ ri, gia đình làm lúa nhưng diện tích nhỏ nên hiệu quả kinh tế từ cây lúa mang lại không cao. Từ khi chuyển sang trồng cây sơ ri, kinh tế gia đình ông ngày càng được cải thiện, cuộc sống vì thế ổn định hơn.

Sau thời gian dài gắn bó, ông Trang cho biết, sơ ri là loại cây rất dễ trồng. Loại cây này chịu được môi trường khắc nghiệt, như: khô hạn, ngập úng hay đất nghèo chất dinh dưỡng. “Cây sơ ri không cần phải chăm sóc nhiều. Chi phí cho phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Bình quân mỗi công sơ ri, cho năng suất từ 500-700kg/vụ. Những năm trúng mùa, năng suất có thể lên đến 1 tấn/công” - ông Trang thông tin.

Sơ ri dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và có trái quanh năm

Cách nhà ông Lê Minh Trang không xa, gia đình anh Lê Văn Bé Năm cũng chọn cây sơ ri để phát triển kinh tế gia đình. Theo anh Bé Năm, ngoài ưu điểm là không đòi hỏi nhiều chi phí sản xuất, cây sơ ri còn có nhiều điểm nổi bật khác, như: cho trái quanh năm, thời gian thu hoạch kéo dài nên đảm bảo được nguồn thu nhập. “Trồng sơ ri rất nhẹ công chăm sóc, đến đợt chỉ bón phân, khi cây ra bông thì phun thuốc đậu trái. Trồng sơ ri có trái bán quanh năm, tháng nào gia đình cũng có thu nhập” - anh Bé Năm chia sẻ.

Anh Bé Năm cho biết thêm, việc nhân rộng mô hình trồng sơ ri khá đơn giản. Khi muốn nhân rộng diện tích trồng chỉ cần chiết nhánh trong vườn, không phải tốn tiền mua giống. Lúc cây chưa giao tán, có thể trồng xen canh với hoa màu, vừa hạn chế cỏ hại sơ ri, vừa có thêm thu nhập. Khoảng 6 - 8 tháng tuổi, sơ ri cho trái mùa đầu và từ tuổi thứ 3 trở đi, cây cho trái ổn định và tăng dần theo các năm. Loại cây này ít tốn công chăm sóc, chỉ cần thường xuyên tưới nước, bón phân là sơ ri cho trái quanh năm. Mỗi năm, một cây sơ ri cho khoảng 8 đợt trái, mỗi đợt có thể thu hoạch liên tục trong nhiều ngày. Vào vụ thu hoạch rộ, mỗi cây cho năng suất từ 25kg trái trở lên.

Thu nhập liên tục

Nếu so với các loại cây ăn trái khác thì giá trị kinh tế của cây sơ ri không cao bằng. Tuy nhiên, loại cây trồng này có tuổi thọ cao và cho trái quanh năm, ít vốn đầu tư, ít công chăm sóc... nên được nhiều nông dân lựa chọn để canh tác. Mặt khác, trái sơ ri có nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe nên được thị trường ưa chuộng, đầu ra luôn ổn định.

Anh Nguyễn Văn Út (nông dân xã Hòa Bình, huyện Chợ Mới) cho biết, sơ ri sau khi thu hoạch được các nhà vườn đem bán chủ yếu tại chợ đầu mối Long Xuyên, một số khác bán cho các vựa trong xã rồi chuyển đi tỉnh Đồng Tháp và TP. Hồ Chí Minh. Thời điểm chưa có dịch bệnh COVID-19, trái sơ ri nơi đây còn bán sang nước bạn Campuchia. Giá mặt hàng này dao động từ 4.000-7.000 đồng/kg. Thời điểm hút hàng, có thể lên đến 9.000-13.000 đồng/kg. Nhờ thu hoạch quanh năm nên nông dân có nguồn thu ổn định. “Thời điểm nhà vườn thu hoạch đồng loạt thì có lúc bị dội chợ, giá rớt xuống thấp. Tuy nhiên, phần lớn thời gian là bình ổn giá. Nhờ thu hoạch liên tục, có sản phẩm bán mỗi ngày nên nông dân không bị ảnh hưởng đến thu nhập như nhiều loại cây trồng khác” - anh Út nhận định.

Nhiều gia đình ở Chợ Mới tận dụng khoảng trống trước sân, sau nhà để trồng, có “đồng ra, đồng vô” mỗi ngày. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân, cây sơ ri còn tạo việc làm cho một số lao động ở nông thôn thông qua việc thu hoạch trái. Lao động được thuê theo thời gian hoặc khối lượng trái. Bình quân mỗi ngày, một lao động có thể kiếm được từ vài chục ngàn đến trên 100.000 đồng.

ĐÌNH ĐỨC