Nâng cao giá trị sản xuất
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong suốt nhiệm kỳ 2015-2020, ngành nông nghiệp luôn phấn đấu để giữ vững vai trò làm nền tảng của nền kinh tế, không ngừng quan tâm chỉ đạo phát triển kinh tế nông nghiệp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần dân cư nông thôn bằng việc thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và theo đúng nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ X. 5 năm qua, ngành nông nghiệp đã cụ thể hóa nghị quyết thành nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, trọng tâm là tổ chức thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020” và Chương trình hành động số 08-CTr/TU, ngày 11-11-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025. Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, các cơ quan, địa phương, DN và nhân dân, đã tạo điều kiện thuận lợi cho toàn ngành nông nghiệp trong việc triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả tích cực, tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nông nghiệp trong thúc đẩy kinh tế phát triển.
Đại hội đại biểu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần thứ X đặt nhiều nhiệm vụ mới cho ngành nông nghiệp nhiệm kỳ 2020-2025
Thời gian qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi sản xuất để thích nghi với điều kiện thực tế, khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp. Giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi được hơn 31.130ha đất lúa kém hiệu quả sang rau màu, cây ăn trái, vượt kế hoạch đề ra theo Quyết định số 3410/QĐ-UBND, ngày 14-11-2017 của UBND tỉnh. Các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Cụ thể, mô hình sản xuất các loại rau ăn lá có lợi nhuận bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng bưởi đạt 700-800 triệu đồng/ha sau 3 năm đầu tư; mô hình trồng nhãn mang lại lợi nhuận từ 500-600 triệu đồng/ha sau 2 năm đầu tư... Nhờ đó, diện tích cây ăn quả của tỉnh đến nay đạt hơn 17.300ha, tăng 6.200ha so cuối năm 2016, chủ yếu là tăng diện tích trồng xoài, chuối, nhãn và các loại cây có múi. Bên cạnh đó, một số địa phương đã hình thành một số vùng trồng các loại cây ăn trái tiềm năng như: sầu riêng, bơ, thanh long… góp phần đa dạng chủng loại cây ăn trái của tỉnh. Trên địa bàn An Giang đã từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn như: trái cây (Tri Tôn, Chợ Mới, Tịnh Biên, An Phú…); rau màu (Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Long Xuyên, Châu Đốc…); lúa nếp (Phú Tân, Châu Phú) gắn với liên kết, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, đảm bảo chất lượng và nhu cầu thị trường.
Tỉnh đã liên kết với các doanh nghiệp như: Công ty Chánh Thu, Công ty Kim Nhung, Công ty Cát Tường, Công ty Hoàng Phát xúc tiến liên kết với các hợp tác xã (HTX) tiêu thụ xoài GAP Bình Phước Xuân, xoài Khánh An, Mỹ Hòa Hưng, Vĩnh Xương, Long Bình. Mời gọi các DN liên kết, xây dựng vùng chuyên canh rau màu và cây ăn trái khác (Công ty Lefarm, Tập đoàn Nafoods, Công ty Antesco…).
Theo kế hoạch đăng ký chuyển đổi của 11 huyện, thị xã, thành phố, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau, màu, cây ăn trái và cây trồng khác giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 33.500ha. Trong đó, rau dưa các loại 7.932ha; các loại cây màu lấy hạt, củ 8.764ha; cây ăn trái 16.861ha. Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi trình UBND tỉnh phê duyệt. Trước mắt, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh An Giang năm 2021 dự kiến thực hiện hơn 5.800ha (rau dưa các loại 1.420ha; các loại cây màu lấy hạt, củ 1.500ha; cây ăn trái 2.890ha).
Thực tế cho thấy, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn ước đạt 49 triệu đồng (tăng 20 triệu đồng so 2015), giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân khoảng 192 triệu đồng/ha (tăng 63 triệu đồng/ha so với năm 2015)...
Chuyển đổi mô hình lớn
Cùng với chuyển đổi cơ cấu trồng trọt, An Giang tập trung chuyển đổi chăn nuôi bò, heo, gà nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng hầm ủ biogas, nền đệm lót sinh học. Những năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện mời gọi, khuyến khích DN đầu tư phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Đến nay, đã có 9 DN thực hiện đầu tư phát triển 10 trang trại chăn nuôi tại tỉnh, gồm: 5 trại heo với 17.000 con; 3 trại gà có quy mô 65.000 con; 2 trại bò với 1.000 con. Sắp tới, khi Tập đoàn TH triển khai trang trại bò sữa công nghệ cao TH True Milk tại xã Vĩnh Gia (Tri Tôn), sẽ phát triển đàn bò sữa quy mô tập trung 20.000 con, đồng thời mở rộng ra các khu vực xung quanh. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, lợi nhuận từ các mô hình chăn nuôi trang trại tập trung cao hơn lợi nhuận thu được từ các mô hình chăn nuôi nông hộ từ 7-8%. Điều quan trọng là các mô hình chuyển đổi áp dụng công nghệ xử lý phân thải trong chăn nuôi, không gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tận dụng nguồn phân hữu cơ dồi dào, giảm chi phí sản xuất, quản lý dịch hại, tăng thu nhập.
Nông nghiệp An Giang hướng đến nâng cao giá trị và phát triển bền vững
Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, thời gian qua, tỉnh tập trung triển khai kế hoạch phát triển thủy sản bền vững, trong đó tập trung mời gọi đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất giống thủy sản. Tỉnh đang thực hiện thành công các mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao trên nhiều đối tượng thủy sản, như: cá nàng hai, cá lăng nha, chạch lấu, lươn, cá chép, tôm càng xanh… mang lại hiệu quả, giá trị kinh tế cao cho người nuôi. An Giang cũng là đơn vị sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực độc quyền cung cấp cho các vệ tinh ương tại các tỉnh: Bạc Liêu, Bến Tre, Kiên Giang. Tỉnh cũng chuyên sản xuất và cung cấp các loại giống cá lóc, lươn, cá chạch lấu... cho các tỉnh trong khu vực.
Thời gian qua, An Giang đã thu hút nhiều DN đầu tư dự án xây dựng vùng nuôi thủy sản tập trung, công nghệ cao, được chứng nhận các tiêu chuẩn quốc tế như: Công ty Cổ phần (CP) Cá tra Việt Úc, Công ty CP Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH MTV NTTS Hà Nội – Cần Thơ (HACA), Công ty CP Nam Việt Bình Phú, Công ty TNHH Phát triển Lộc Kim Chi, Công ty CP Nha Trang Seafood, Công ty An Mỹ, Công ty CP Xuất, nhập khẩu thủy sản An Giang... Trong đó có 2 DN được công nhận vùng/DN sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Việt Úc, Nam Việt Bình Phú).
Ngày 20-3-2018, Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 897/QĐ-BNN-TCTS về phê duyệt Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL tại An Giang. Theo Sở NN&PTNT, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định, góp phần gắn kết giữa người sản xuất và DN nuôi, cung cấp cá giống chất lượng cao cho các DN trong và ngoài tỉnh. Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực và từng bước tạo nền tảng vững chắc để An Giang trở thành trung tâm cung cấp giống thủy sản chất lượng cao cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.
Trân trọng doanh nghiệp
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng nhìn chung, nền nông nghiệp An Giang vẫn còn những khó khăn, tồn tại, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân do phần lớn diện tích đất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn nhiều hạn chế, bước đầu chỉ ở dạng hợp tác tiêu thụ sản phẩm “mua - bán”, những hình thức liên kết sản xuất gắn với đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm còn rất ít; hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất tại các vùng chuyển đổi, tái cơ cấu nông nghiệp chưa đồng bộ...
Để khắc phục những điểm yếu này, cần thu hút nhiều DN đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, trang trại, nhà máy lớn, đồng thời hỗ trợ phát triển các hợp tác xã (HTX) kiểu mới có sự tham gia của DN để xây dựng liên kết theo hướng bền vững, hiệu quả.
Tập đoàn Lộc Trời hợp tác với UBND tỉnh An Giang phát triển hợp tác xã kiểu mới
Là tỉnh xuất phát điểm của mô hình “Cánh đồng lớn” , An Giang luôn củng cố, nâng chất, mở rộng hình thức liên kết này. Năm 2020, có 24 DN ký hợp đồng tiêu thụ lúa, nếp trên địa bàn tỉnh An Giang với diện tích 40.802ha, đạt 6,4% tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm của tỉnh. So sánh với năm 2019, diện tích sản xuất lúa, nếp được thực hiện thu mua qua hình thức liên kết theo chuỗi giá trị đã tăng từ 31.190ha lên 40.802ha. Kết quả này có được nhờ nỗ lực hỗ trợ của các ngành, các cấp, DN, HTX và nông dân. Các ngành tỉnh và địa phương đã vận động và hỗ trợ thành lập mới 47 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh lên 180 HTX. Trong đó có 19 HTX được thành lập mới với sự tham gia góp vốn và nhân sự điều hành từ phía Tập đoàn Lộc Trời. “Lộc Trời sẽ thử nghiệm và nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” từ 500ha trở lên gắn cơ giới hóa đồng bộ. Đây được kỳ vọng sẽ là mô hình liên kết bền vững và hiệu quả” - ông Nguyễn Võ Huy Hoàng, Phó Trưởng ban Phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp - Tập đoàn Lộc Trời nhấn mạnh.
Đồng thời, để phát triển các đặc sản, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch nông thôn, tỉnh thực hiện Đề án OCOP - AG. Đến nay, có 42 sản phẩm OCOP đã được công nhận đạt từ 3 sao trở lên; trong đó, có 37 sản phẩm đạt 3-4 sao (11 sản phẩm đạt 4 sao và 26 sản phẩm 3 sao); 5 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Năm 2021, phấn đấu có thêm 2 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; 50 sản phẩm đạt OCOP 3-4 sao.
Điều kiện thuận lợi để liên kết sản xuất lớn là nông dân, HTX trên địa bàn tỉnh rất chú trọng áp dụng kỹ thuật mới vào canh tác. Diện tích gieo trồng giống xác nhận trên địa bàn An Giang ước đạt 80% diện tích, còn lúa chất lượng cao và nếp chiếm hơn 70% diện tích canh tác; 100% diện tích được máy cày xới, làm đất; 70% diện tích sạ bằng máy móc... Ông Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, năm 2021, 24 DN có kế hoạch sẽ thực hiện liên kết tiêu thụ diện tích 87.000ha. Ngành nông nghiệp mong muốn các DN thực hiện liên kết đạt diện tích đến 109.000ha. Nếu thực hiện thành công, đây là lần đầu tiên diện tích “Cánh đồng lớn” đạt 17,6% tổng diện tích, con số “mơ ước” bởi lâu nay, diện tích này chưa bao giờ qua “ngưỡng” 10% diện tích. “Nhằm tạo thuận lợi cho DN mở rộng “Cánh đồng lớn” theo hướng lâu dài, bền vững, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ thành lập HTX và khuyến khích DN tham gia bằng hình thức góp vốn, nhân sự đồng hành” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) xác định nhiệm vụ ngành nông nghiệp An Giang 5 năm tới là: “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng giảm dần diện tích lúa, tạo giá trị sản xuất cao hơn gắn với nhu cầu thị trường. Khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, khép kín gắn với DN theo chuỗi giá trị…”.
|
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN