Tân Châu gặp nhiều khó khăn trong phát triển mới hợp tác xã nông nghiệp

01/06/2021 - 05:28

 - Kinh tế hợp tác là con đường phát triển tất yếu, bởi từ đây sản phẩm do nông dân làm ra sẽ tiêu thụ được dễ dàng, chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận thu được sau mỗi mùa vụ nâng lên. Trên thực tế, khi triển khai thành lập mới các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Trường hợp của TX. Tân Châu (tỉnh An Giang) là một điển hình.

Từ nhu cầu liên kết

Tổng kết 3 năm thực hiện Kế hoạch số 639/KH- UBND của UBND tỉnh về thực hiện Đề án phát triển mới 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp trên cả nước hoạt động có hiệu quả đến năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2018-2020, TX. Tân Châu chỉ thành lập mới được 4 HTX nông nghiệo, trong khi chỉ tiêu của tỉnh giao cho địa phương là 10 HTX (đạt 40% chỉ tiêu).

Trao đổi về nguyên nhân vì sao việc thành lập mới các HTX nông nghiệp chưa đạt chỉ tiêu đề ra, Phó Trưởng phòng Kinh tế TX. Tân Châu Phạm Văn Hải cho biết, nguyên nhân sâu xa là do nông dân chưa thật sự có nhu cầu, bởi khi đã là thành viên của HTX hay chưa là thành viên thì quyền lợi không có sự khác biệt, từ đó chưa thu hút người nông dân có đất tự nguyện gia nhập HTX.

Các dịch vụ phục vụ thành viên còn hạn chế nên mô hình hợp tác xã chưa thực sự thu hút nông dân

“Bản thân tôi thấy, dịch vụ phục vụ thành viên của HTX nông nghiệp còn quá nghèo nàn, đa phần chỉ dừng lại ở dịch vụ bơm tưới, trong khi các dịch vụ khác, như: tiêu thụ sản phẩm, tín dụng nội bộ, cung ứng vật tư nông nghiệp… thì nông dân rất cần, nhưng HTX chưa làm được, chính điều đó mà gia đình tôi chưa hăng hái tham gia” - ông Trần Văn Nhỏ (xã Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu) bày tỏ.

TX. Tân Châu hiện có 15 HTX nông nghiệp hoạt động theo Luật HTX năm 2012, trong số đó, do làm ăn không hiệu quả nên đã giải thể 3 HTX nông nghiệp, gồm: HTX nông nghiệp Tân Tiến (xã Vĩnh Xương), HTX nông nghiệp Long Hưng (phường Long Sơn); HTX nông nghiệp Hưng Thạnh (phường Long Thạnh), số còn lại tiếp tục duy trì hoạt động. Hiện, tổng số thành viên tham gia HTX trên địa bàn là 1.989 người. Doanh thu bình quân của một HTX là 1.759.000.000 đồng; lợi nhuận của bình quân của một HTX là 186.400.000 đồng, thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX khoảng 19 triệu đồng/năm.

Qua thống kê, trung bình 1 HTX góp phần tạo việc làm cho 12 lao động tại địa phương. Trong số các HTX đang hoạt động, có 7 HTX tham gia liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản với Doanh nghiệp tư nhân Minh Phát, Công ty TNHH MTV Nanotech Đồng Tháp, Tập đoàn Lộc Trời… Diện tích liên kết là 3.370ha/năm. “Thực tế hiện nay cho thấy, tính hiệu quả trong liên kết giữa HTX và doanh nghiệp (DN) chưa cao, bởi mối liên kết này chưa chặt chẽ, thiếu tính bền vững. Nguyên nhân là do 2 bên còn có những bất đồng về giá tại thời điểm thu mua, phương thức giao nhận, thanh toán từ đó dẫn đến tính liên kết thiếu bền vững” - ông Hải phân tích thêm.

Đến thách thức đặt ra

Như vậy, một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến mô hình “Cánh đồng lớn” đến nay vẫn “không lớn” được là do, giữa DN và nông dân chưa thống nhất với nhau ở nhiều phương diện, trong đó có giá bán sản phẩm, phương thức giao nhận hàng hóa… “Vụ đông xuân vừa qua, HTX Tân Phú A1 có “làm thử” với Tập đoàn Lộc Trời 20ha lúa theo phương thức bao tiêu đầu ra sản phẩm. Tập đoàn Lộc Trời đưa cho HTX 3 giống, gồm: Đài Thơm 8, OM 9582, IR 50404. Song khi đến thời điểm thu hoạch, tập đoàn đồng ý thu mua 2 giống; còn giống OM 9582, do gạo bị gãy nên không mua, người dân bán ra bên ngoài” - Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Phú A1 Trịnh Văn Dứt chia sẻ.

Hơn 10 năm qua, HTX nông nghiệp Tân Phú A1 (xã Tân Thạnh, TX. Tân Châu) là “lá cờ đầu” trong phong trào kinh tế hợp tác của tỉnh nói chung, TX. Tân Châu nói riêng, song vẫn chưa phát triển được như mong muốn. Cụ thể, năm 2020 cổ tức của mỗi cổ phần (90.000 đồng/cổ phần) chỉ đạt 47.622 đồng, tương đương 1,32%/tháng. Với cổ tức như thế, hiệu quả hoạt động của HTX chưa thu hút nông dân.

“Các dịch vụ do HTX cung cấp cho thành viên, có nhiều dịch vụ phải cạnh tranh “khốc liệt” với bên ngoài, cụ thể là dịch vụ vật tư nông nghiệp. Hầu hết các HTX làm dịch vụ này không bằng so với tư nhân, vì vậy tính hiệu quả không cao. Còn dịch vụ đầu ra giữa DN và HTX thì chưa có điểm chung. Đây là thách thức rất lớn để phong trào kinh tế hợp tác phát triển…” - ông Dứt chia sẻ thêm.

Nhìn thấy khó khăn này, TX. Tân Châu đã nêu cao quyết tâm, tiếp tục khắc phục những hạn chế, yếu kém mà mô hình HTX nông nghiệp đang tồn tại để phấn đấu đưa phong trào kinh tế hợp tác tiếp tục phát triển. Cụ thể, ngoài việc củng cố lại mối quan hệ giữa DN và HTX, thị xã sẽ tạo điều kiện để các HTX đa dạng hóa các dịch vụ nhằm phục vụ tốt thành viên trong HTX; hỗ trợ thêm cho HTX nhiều chính sách ưu đãi để HTX thật sự trở thành nơi tập hợp nông dân đi vào con đường làm ăn hợp tác, cùng với nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, bền vững.

“Vụ sản xuất vừa rồi, 1 bao phân đạm Cà Mau, HTX Tân Phú A1 bán cho thành viên 375.000 đồng/bao, trong khi các đại lý vật tư nông nghiệp bên ngoài bán với giá 350.000 đồng/bao, chênh lệch mỗi bao 25.000 đồng. Nông dân mua bên ngoài sẽ có lợi hơn, chính từ đó mà dịch vụ vật tư nông nghiệp mà HTX thực hiện không hiệu quả” - ông Trịnh Văn Dứt chia sẻ.

Bài, ảnh: MINH HIỂN