Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Hội Nông dân tỉnh An Giang quan tâm thực hiện tốt công tác hỗ trợ nông dân, nhất là về nguồn vốn mở rộng SXKD. Theo đó, các cấp hội đã tích cực, chủ động tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả đề án “Nâng cao hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2023”. Đến nay, các cấp hội đã xây dựng và phát triển nguồn vốn được hơn 20 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân toàn tỉnh trên 41 tỷ đồng.
“Từ nguồn vốn này, các cấp hội đã cho hơn 1.000 hộ vay mỗi năm, đối tượng chủ yếu là thành viên chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp. Qua đó, đáp ứng một phần nhu cầu vốn để phát triển sản xuất, tạo việc làm tại chỗ cho nông dân, góp phần hạn chế “tín dụng đen” trong khu vực nông thôn. Mỗi năm, hàng trăm hội viên nông dân có điều kiện đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, trở thành “đầu tàu” để tập hợp nông dân xây dựng các mô hình hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) của tỉnh... từ nguồn vốn này” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết.
Hội Nông dân tỉnh An Giang tăng cường hỗ trợ nông dân
Theo ông Nguyễn Văn Nhiên, các cấp hội cũng tích cực phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, đã đưa đồng vốn ưu đãi đến tận tay người vay, giúp hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm nghèo của địa phương. Đến nay, 100% cơ sở hội đã thực hiện nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ hơn 1.148 tỷ đồng, hỗ trợ 40.895 lượt hộ vay.
Trong công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nông dân, các cấp hội quan tâm thực hiện và mang lại kết quả tốt. Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp phù hợp với tình hình thực tế và trình độ nhận thức của nông dân. Theo đó, đã phối hợp Hội Nông dân cấp huyện tổ chức 182 lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho 5.839 hội viên, nông dân, đạt 100% kế hoạch.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các công ty, doanh nghiệp nghiên cứu hỗ trợ đầu vào, đầu ra cho nông sản An Giang. Tăng cường phối hợp các DN đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho hội viên, nông dân trả chậm sau thu hoạch và có chỉ đạo ký kết hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân. Tổ chức cho nông dân tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình sử dụng chế phẩm sinh học, chế phẩm hữu cơ áp dụng cho quy trình sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng nông sản.
Hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất
Trên phương diện tiếp cận tiến bộ khoa học - công nghệ, các cấp hội chủ động phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất cho nông dân. Phối hợp các sở, ngành cung cấp thông tin giá cả vật tư nông nghiệp, hàng hóa nông sản cho nông dân. Tư vấn, hỗ trợ thành lập các tổ liên kết, tổ hợp tác và các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản cho từng địa phương, giúp nông dân tiêu thụ nông sản…
“Muốn sản phẩm của nông dân An Giang đi xa phải chú trọng công tác quảng bá. Do đó, chúng tôi đã tích cực giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh tại Festival “Vật tư nông nghiệp” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, nhằm quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông nghiêp tiêu biểu của tỉnh. Đồng thời, tích cực kết nối các DN ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các tổ hợp tác, tổ liên kết, hợp tác xã vào thời điểm trước, trong và sau dịch COVID-19” - ông Nguyễn Văn Nhiên thông tin.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh An Giang phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thi sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh, hỗ trợ đăng ký cho 55 sản phẩm. Phối hợp Bưu điện tỉnh tổ chức 11 lớp tập huấn và tạo thành công 2.740 tài khoản cho các hộ sản xuất nông nghiệp, đăng thành công 137 sản phẩm của tỉnh lên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn). Hội Nông dân tỉnh còn hỗ trợ nông dân khởi nghiệp theo đề án “Nông dân khởi nghiệp sáng tạo” giai đoạn 2021 - 2025. Đến nay, đã có 1.100 nông dân giỏi đủ điều kiện đăng ký thành doanh nhân nông thôn, chủ trang trại trên toàn tỉnh.
“Dù đã tích cực hỗ trợ hội viên, nông dân, nhưng đời sống, hoạt động SXKD của bà con vẫn còn khó khăn. Do đó, các cấp hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nông dân, song song với việc vận động bà con tham gia các hình thức kinh tế tập thể, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, giúp người nông dân tăng nguồn thu và tích cực tham gia xây dựng quê hương An Giang ngày càng phát triển” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên khẳng định.
THANH TIẾN