Tăng cường liên kết, phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và ĐBSCL

19/12/2022 - 05:23

 - Tăng cường liên kết, hợp tác, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương và vùng ĐBSCL trong việc khai thác, phát triển du lịch (DL), từ năm 2019, TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL triển khai Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL. Đến nay, chương trình mang lại hiệu quả thiết thực.

Cùng vượt qua khó khăn

Theo Hội đồng Liên kết hợp tác phát triển DL vùng TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, thời gian qua, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. Ngành DL không nằm ngoài tác động trực tiếp này, dẫn đến doanh thu DL sụt giảm mạnh, tăng trưởng năm 2020 và 2021 giảm sâu, ảnh hưởng không nhỏ đến tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP của mỗi địa phương.

Điển hình, trong năm 2020, khách DL đến TP. Hồ Chí Minh đạt 17,2 triệu lượt (giảm 66,6% so năm 2019); tổng doanh thu DL trên 84.500 tỷ đồng (giảm gần 40% so cùng kỳ năm 2020). Tương tự, ở khu vực ĐBSCL, khách DL đạt 27,8 triệu lượt (giảm 41,3% so năm 2019), doanh thu đạt 21.879 tỷ đồng (giảm 48,3% so cùng kỳ năm 2019). Cộng đồng doanh nghiệp DL, lữ hành cũng chịu tác động kép (giảm khách và bồi thường một số nhóm chi phí tour bị hủy)…

Các tỉnh, thành phố trong khối liên kết giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng địa phương

Để phục hồi, phát triển ngành “công nghiệp không khói” hậu COVID-19, TP. Hồ Chí Minh phối hợp ĐBSCL hình thành và công bố 3 trục tuyến DL liên kết, gồm: Tuyến DL “Những nẻo đường phù sa” kết nối TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Vĩnh Long - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau; tuyến DL “Non nước hữu tình” kết nối TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh; tuyến DL “Sắc màu vùng biên” kết nối TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Long An - Đồng Tháp - An Giang - Kiên Giang.

Từ 3 trục tuyến DL liên kết trên, các doanh nghiệp DL, lữ hành của TP. Hồ Chí Minh xây dựng hơn 70 chương trình DL từ TP. Hồ Chí Minh đến vùng ĐBSCL. Các tour hiện đang thu hút khách DL lớn, như: TP. Hồ Chí Minh - An Giang (2 ngày); TP. Hồ Chí Minh - An Giang - Kiên Giang (3-4 ngày); TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Sóc Trăng - Bạc Liêu - Cà Mau…

Ngoài ra, các địa phương còn vận động cơ sở lưu trú DL, cơ sở kinh doanh dịch vụ, khu - điểm tham quan DL xây dựng chính sách kích cầu kép (giảm chi phí ăn uống, miễn phí vé tham quan), giảm giá từ 10-20%... Trong năm 2022, khách DL nội địa vẫn chiếm ưu thế với chương trình DL đến ĐBSCL để trải nghiệm văn hóa, sinh thái, sông nước miệt vườn và thưởng thức ẩm thực Nam Bộ, được khai thác bởi doanh nghiệp DL, lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, hệ thống doanh nghiệp lữ hành hàng đầu của TP. Hồ Chí Minh đưa hơn 1,8 triệu lượt du khách về ĐBSCL.

Thúc đẩy du lịch vùng phát triển bền vững

Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, Chương trình liên kết hợp tác phát triển DL giữa TP. Hồ Chí Minh với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL là chương trình liên kết vùng đầu tiên được triển khai. Từ đó, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các vùng liên kết khác trong cả nước; góp phần thúc đẩy DL vùng chuyển biến tích cực, thu hút sự tham gia hưởng ứng tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, Hiệp hội DL và người dân của 14 địa phương. Khi tăng cường quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng gian hàng chung, hình thành thương hiệu DL vùng… tạo thuận lợi trong công tác xúc tiến, quảng bá DL đến thị trường trong nước và quốc tế.

Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, các địa phương khu vực ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển DL với TP. Hồ Chí Minh, như: Tăng cường phối hợp trong quản lý nhà nước về phát triển DL; tổ chức đánh giá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ và DL trong chương trình DL kết nối giữa địa phương trong khối liên kết… để kết nối với doanh nghiệp lữ hành.

Đẩy mạnh chương trình xúc tiến, quảng bá, giới thiệu DL chung của vùng tại thị trường trong nước, trọng điểm là khu vực miền Trung và phía Bắc… Phối hợp chặt chẽ truyền thông DL, với thông điệp “DL an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển DL; đa dạng hóa sản phẩm DL…

Tin rằng, chính sách kích cầu DL hấp dẫn của các tỉnh, thành phố trong liên kết sẽ tạo thuận lợi trong phát triển thị trường du khách quốc tế, nội địa đến TP. Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL. Trong đó, quan tâm phát triển thị trường khách nội địa, vì đây là thị trường trọng điểm và chiếm 2/3 du khách. “Với lợi thế thỏa thuận liên kết, việc thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa dòng khách 2 chiều sẽ góp phần tăng trưởng, phát triển ngành DL địa phương.

Bởi, nếu 1/3 của 10 triệu dân TP. Hồ Chí Minh về DL ở ĐBSCL và ngược lại, 1/3 của 20 triệu dân ĐBSCL đến DL ở TP. Hồ Chí Minh sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại DL của người dân. Mặt khác, TP. Hồ Chí Minh được xác định là cửa ngõ DL, việc đa dạng hóa sản phẩm DL sẽ “hút” dòng khách từ các tỉnh, thành phố khác đến trải nghiệm chương trình DL liên kết từ thành phố về ĐBSCL. Qua đó, góp phần tăng giá trị liên kết hợp tác phát triển DL của 14 tỉnh, thành phố theo hướng bền vững”- bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết.

ĐBSCL là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển DL, nhất là sản phẩm DL đặc thù sông nước. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và nền văn hóa đậm đà bản sắc lúa nước giúp nơi đây thành điểm đến DL của nhiều du khách trong và ngoài nước. Phát triển DL vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển DL của cả nước. Trong quá trình hội nhập quốc tế, liên kết, hợp tác là nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy tiềm năng DL, chủ động hội nhập vào ngành DL của cả nước và quốc tế.

 

THU THẢO