Tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

14/04/2022 - 06:41

 - UBND tỉnh vừa ban hành kế hoạch (giai đoạn 2) thực hiện Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, nhằm bảo đảm kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để giúp trẻ hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học, tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo.

Các chùa ở huyện Thoại Sơn tăng cường dạy tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ cho trẻ em nghèo

Giai đoạn 2016-2020, công tác tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS ở cấp học mầm non và tiểu học đã đạt được những kết quả tích cực. Công tác tăng cường tiếng Việt đã được triển khai tại huyện Tịnh Biên, Tri TônThoại Sơn, nơi có tỷ lệ trẻ DTTS chiếm đa số. Với cấp học mầm non, theo chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỉnh tăng cường thời lượng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ DTTS thông qua tất cả các hoạt động 1 ngày của trẻ tại trường mầm non, giáo viên thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt.

Qua đó, 100% lớp có trẻ DTTS được xây dựng môi trường phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, nội dung giáo dục nói chung và nội dung dạy tăng cường tiếng Việt nói riêng của các lớp. 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi DTTS được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1, trẻ đã tự tin hơn trong quá trình giao tiếp bằng tiếng Việt, trẻ có khả năng nghe, nói, sử dụng được các từ, câu phù hợp trong sinh hoạt hàng ngày; trẻ mẫu giáo 5 tuổi đều nhận dạng, phát âm được 29 chữ cái, biết viết sao chép một số ký hiệu, chữ cái, tên của mình bằng tiếng Việt…

Với cấp tiểu học, trong những năm qua, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học tăng dần, chất lượng học tập môn Tiếng Việt được nâng lên rõ rệt, thể hiện rõ qua các tiết dự giờ, kết quả kiểm tra đánh giá định kỳ cuối năm học trong giai đoạn đến năm học 2020-2021. Giờ dạy Tiếng Việt của giáo viên cũng gần gũi, sinh động và hấp dẫn hơn với học sinh, một số giáo viên chủ nhiệm là người địa phương vừa đóng vai trò là một giáo viên chủ nhiệm lớp lại vừa là một trợ giảng đắc lực giúp các em tiếp nhận kiến thức mới nhẹ nhàng hơn. Có sự kết hợp với việc sử tiếng mẹ đẻ của các em để hỗ trợ việc tăng cường hoạt động dạy học tiếng Việt. Làm đồ dùng dạy học và sử dụng đồ dùng tự làm, các loại đồ dùng có sẵn ở địa phương để tạo hứng thú trong học tập, giúp học sinh nhận thấy học tiếng Việt là có ích và thực sự cần thiết…

Tiếp nối những kết quả đạt được, thực hiện giai đoạn 2 của đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ, UBND tỉnh hướng đến năm 2025, có 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo được huy động ra lớp, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp độ tuổi. 100% giáo viên cấp tiểu học và mầm non vùng DTTS đạt chuẩn theo quy định, 100% được bồi dưỡng kỹ năng về công tác quản lý; phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động tăng cường tiếng Việt và tiếng dân tộc phục vụ công tác.

Để thực hiện mục tiêu của đề án, UBND tỉnh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện những nội dung của đề án theo từng năm và giai đoạn. Đồng thời, đề ra 7 giải pháp chính. Đó là tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tổ chức tốt công tác phối hợp các ban, ngành, đoàn thể… trong việc thực hiện kế hoạch. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của đề án nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, cộng đồng đối với việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS.

Tổ chức biên soạn, bổ sung tài liệu, học liệu, tranh ảnh, băng đĩa phù hợp, thân thiện với trẻ em người DTTS; rà soát, bổ sung trang thiết bị xuống cấp tại các nhóm, lớp, điểm trường mầm non, tiểu học ở các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn có trẻ em người DTTS. Tăng cường các hoạt động khám phá, trải nghiệm cho trẻ vùng DTTS. Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, sử dụng linh hoạt các tiện ích, phần mềm, tư liệu, hình ảnh để nâng cao hiệu quả tăng cường tiếng Việt cho trẻ.

Đồng thời, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có trẻ em người DTTS. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên dạy trẻ em người DTTS về công tác quản lý; phương pháp, kỹ năng tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục để tăng cường tiếng Việt phù hợp với đối tượng trẻ em vùng DTTS. Quan tâm công tác quản lý dạy học tại điểm trường, nghiệp vụ, kỹ năng dạy học lớp ghép. Bồi dưỡng tiếng dân tộc (Khmer) cho giáo viên người Kinh, dạy trẻ em vùng DTTS. Thực hiện chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học tham gia tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng DTTS. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để hỗ trợ thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS...

NGỌC GIANG