Hội Nông dân xã Lương An Trà trao quyết định phân công Ban Chấp hành Chi hội nông dân “Trồng lúa chất lượng cao” ấp Phú Lâm
Nông dân trao đổi ý kiến
Nếu huyện Tri Tôn có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất tỉnh thì Lương An Trà là xã có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất huyện, với 7.500ha, trải rộng trên 27 tiểu vùng sản xuất. Kết quả của quá trình khai hoang mở đất giúp Lương An Trà hình thành những thửa ruộng lớn, bờ đê thẳng tắp, thuận lợi cho tích tụ đất đai, mở rộng quy mô canh tác, ứng dụng cơ giới hóa, công nghệ mới vào sản xuất.
Ngày 7/11/2023, Sở NN&PTNT An Giang, Hội Nông dân tỉnh, Liên minh HTX tỉnh và Tập đoàn Lộc Trời đã ký thỏa thuận hợp tác về tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn An Giang. Với thỏa thuận này, các đơn vị đã thống nhất chọn xã Lương An Trà (huyện Tri Tôn) thành lập Chi hội nông dân “Trồng lúa chất lượng cao” ấp Phú Lâm.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên cho biết, đây là chi hội nông dân nghề nghiệp đầu tiên trong kế hoạch thành lập 19 chi hội trong năm 2024, hướng đến 200 chi hội vào năm 2030. Chi hội nông dân nghề nghiệp là những hạt nhân cơ sở nòng cốt để hình thành HTX kiểu mới, tham gia phát triển vùng nguyên liệu ổn định, Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”, mà tỉnh An Giang và Tập đoàn Lộc Trời đăng ký thực hiện giai đoạn 2024 - 2030.
Các thành viên tham gia Chi hội nông dân “Trồng lúa chất lượng cao” ấp Phú Lâm là những nông dân chủ lực, có diện tích sản xuất lớn, nhiều kinh nghiệm. Trong đó, Chi hội trưởng Phùng Văn Hừng là nông dân có uy tín ở địa phương; Chi hội phó Trần Minh Trị là nhân sự thuộc Tập đoàn Lộc Trời tại địa bàn được phân công. Bên cạnh nhiệm vụ điều hành do Chi hội trưởng phân công, nhân sự do Tập đoàn Lộc Trời cử tham gia sẽ phụ trách về chuyên môn, kỹ thuật, hướng dẫn chọn giống lúa, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh của chi hội.
Chi hội nông dân “Trồng lúa chất lượng cao” ấp Phú Lâm thống nhất thực hiện theo “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm và cùng hưởng lợi). Chi hội hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề được đưa ra bàn bạc dân chủ, công khai, thảo luận và thống nhất hành động. Trong những tiêu chí để chi hội duy trì hoạt động, diện tích tham gia liên kết sản xuất ít nhất phải đạt 50ha, đăng ký sử dụng dịch vụ Drone (thiết bị bay không người lái), cơ giới hóa đồng ruộng...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lương An Trà Trần Văn Cường cho biết, xã có diện tích đất nông nghiệp lớn nhất huyện Tri Tôn, nhưng diện tích liên kết sản xuất vẫn còn khiêm tốn. Việc thành lập Chi hội nông dân “Trồng lúa chất lượng cao” ấp Phú Lâm là bước đổi mới trong sinh hoạt hội, tạo tiền đề phát triển HTX, tổ hợp tác hiện đại, đổi mới phương thức sản xuất theo hướng bền vững. Từ bước đi đầu tiên này, Hội Nông dân xã Lương An Trà sẽ tiếp tục phối hợp Tập đoàn Lộc Trời thành lập thêm chi hội nông dân nghề nghiệp ở các ấp và tiểu vùng sản xuất khác, tăng tính chủ động của nông dân trong liên kết sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nông thôn.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang Nguyễn Sĩ Lâm, lĩnh vực lúa gạo được tỉnh và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Ngay cận Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã mời 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” (tỉnh Bến Tre không tham gia). Nhắc lại “10 chữ” mà Phó Thủ tướng xem là nguyên tắc để triển khai hiệu quả đề án là “hết lòng, tuân thủ, linh hoạt, hợp tác, kiểm soát”, ông Nguyễn Sĩ Lâm cho rằng, vai trò chủ động, hợp tác tham gia của nông dân và các tổ chức nông dân đóng vai trò rất quan trọng.
“An Giang tham gia bao nhiêu trong giai đoạn 2024 - 2030, điều đó phụ thuộc vào nhu cầu và sự chủ động đăng ký ở cơ sở, dựa trên những tiêu chí cụ thể đề án đưa ra. Toàn tỉnh có hơn 300.000 hộ nông dân trồng lúa, nên các sở, ngành không thể gặp từng hộ để trao đổi, mà chỉ có thể thông qua đại diện là các chi hội nông dân, HTX, tổ hợp tác.
Trong đó, chi hội nông dân nghề nghiệp gắn với từng tiểu vùng sản xuất cụ thể, nắm rõ thực tế, nhu cầu, nguyện vọng của nông dân. Đề án được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn, bất cập của ngành hàng lúa gạo, giúp hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp, cơ giới hóa đồng ruộng, sử dụng rộng rãi dịch vụ Drone, quản lý dịch bệnh bằng công nghệ... Để nông dân thực sự hưởng lợi từ đề án, phải bắt đầu từ hạt nhân cơ sở” - Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm nhấn mạnh.
NGÔ CHUẨN