Tăng trách nhiệm xây dựng nông thôn mới

13/03/2024 - 08:37

 - Bằng nhiều nỗ lực, kết quả xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn An Giang vượt chỉ tiêu Trung ương đề ra, đặc biệt là tỉnh lần đầu tiên có 2 xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, để các xã NTM thật sự trở thành những “miền quê đáng sống”, đòi hỏi trách nhiệm, quyết tâm cao hơn của các sở, ngành, địa phương và người dân.

Hội nghị triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2024 - 2025

Giai đoạn 2021 - 2023, kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM trên địa bàn An Giang khá ấn tượng. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm (Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh) cho biết, đến cuối năm 2023, có 71/110 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 64,54%). Nếu tính thêm 5 xã đạt 19 tiêu chí (đang chờ Hội đồng thẩm định tỉnh thẩm định), hiện có 76/110 xã NTM (chiếm hơn 69% tổng số xã), vượt so với chỉ tiêu của Trung ương giao (63,8%). Nếu tính thêm 5 xã đạt 19 tiêu chí NTM nâng cao (chờ thẩm định), đến cuối năm 2023 có 34/76 xã NTM nâng cao (đạt 44,73%), vượt so chỉ tiêu của Trung ương giao (37,8%). Năm 2023, có 2 xã trên địa bàn huyện Thoại Sơn đạt tiêu chí xã NTM kiểu mẫu là xã Định Thành (kiểu mẫu về lĩnh vực tổ chức sản xuất) và xã Vĩnh Trạch (kiểu mẫu về lĩnh vực giáo dục). Nếu thông qua được Hội đồng thẩm định tỉnh, An Giang có 2/24 xã NTM kiểu mẫu (đạt 5,8%), vượt chỉ tiêu của Trung ương giao và kế hoạch của UBND tỉnh.

Đến nay, có 3 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, gồm: TP. Châu Đốc (năm 2017), TP. Long Xuyên (năm 2018) và huyện Thoại Sơn (năm 2018). Trong đó, UBND tỉnh đang thực hiện công tác thẩm tra hồ sơ và kết quả thực hiện bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao đối với huyện Thoại Sơn. Dự kiến trong tháng 3/2024, tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị Bộ NN&PTNT thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện NTM nâng cao.

Giai đoạn 2024 - 2025, An Giang phấn đấu có thêm 11 xã NTM, 7 xã NTM nâng cao, 2 xã NTM kiểu mẫu và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (huyện Chợ Mới, Châu Thành và TX. Tân Châu). Nếu đạt chỉ tiêu này, đến cuối năm 2025, toàn tỉnh có 87/110 xã NTM (chiếm 79,09%), 41/87 xã NTM nâng cao (đạt 47,12%), 4/24 xã NTM kiểu mẫu (đạt 16,7%); 6/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (đạt 54,55%), trong đó có 1 huyện NTM nâng cao. Kết quả này vượt so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho rằng, việc thực hiện các chương trình MTQG là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, có ý nghĩa nhân văn rất lớn, với mục đích làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Trong đó, chương trình MTQG xây dựng NTM được kỳ vọng tạo ra sự thay đổi lớn đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với khu vực nông thôn, xây dựng xã NTM thành những “miền quê đáng sống”.

Để thực hiện thắng lợi Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG tỉnh, các cấp, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, thay đổi tư duy cho cán bộ và người dân về thực hiện xây dựng NTM gắn với xây dựng “Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, đặc biệt là phát triển kinh tế nông thôn theo hướng chuyển từ đơn giá trị sang đa giá trị; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.

UBND tỉnh xác định phát triển kinh tế tập thể là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt có vai trò quan trọng trong việc đóng góp tích cực vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; do đó cần đẩy mạnh phát triển hợp tác xã (HTX) gắn với xây dựng NTM và thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; tiếp tục củng cố, đổi mới toàn diện các HTX, tập trung các nguồn lực hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho HTX phát huy tính tự chủ, tự lập và nâng cao năng lực nội tại để hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các cấp, ngành, địa phương tuyên truyền nông dân, HTX, tổ hợp tác tích cực tham gia đề án “Phát triển 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” theo chỉ đạo của Trung ương, Bộ NN&PTNT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Cùng với quyết tâm giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy yêu cầu tăng cường vận động xã hội hóa để tăng nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình. Trong đó, lưu ý triển khai hiệu quả 11 nội dung của Chương trình MTQG xây dựng NTM; 6 chương trình chuyên đề trọng tâm, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của Trung ương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại trong xây dựng NTM, phấn đấu hoàn thành mục tiêu được giao.

Đến cuối năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt bình quân ít nhất 18 tiêu chí NTM/xã; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã NTM đạt 90 triệu đồng/người/năm; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân 0,5%/năm; tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 90%; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch 95%, nước hợp vệ sinh 100%...


NGÔ CHUẨN