Tăng xuất khẩu để phục hồi kinh tế

13/04/2020 - 08:26

 - Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên thế giới, thị trường xuất khẩu nhiều mặt hàng của An Giang bị ảnh hưởng. Do vậy, cần tận dụng tốt nhất cơ hội xuất khẩu từng ngành hàng, mang lại nguồn thu nhằm phục vụ các mục tiêu tăng trưởng của tỉnh.

Nỗ lực xuất khẩu

Ngay từ đầu năm 2020, dịch bệnh Covid-19 đã gây tác động đến thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, nhờ đa dạng hóa thị trường, tình hình xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm của An Giang tiếp tục tăng trưởng, trong đó các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều tăng nhẹ so cùng kỳ năm trước. Quý I-2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 217,3 triệu USD, tăng 2,6% so quý I-2019. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 78,44% tổng kim ngạch xuất khẩu (tăng 2,08%); kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 18,93% (tăng 5,38%) và kinh tế nhà nước chiếm 2,63% (giảm 0,57%).

Theo Sở Công thương, thủy sản đông lạnh là một trong những mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh của Covid-19. Các doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu vào Trung Quốc đều gặp khó khăn. Tuy nhiên, xuất khẩu quý I-2020 vẫn khá, ước đạt 29.498 tấn, tương đương 71,12 triệu USD, tăng 1,72% về lượng và tăng 2,18% về kim ngạch (trong đó cá tra, basa đạt 28.336 tấn, tương đương 68,28 triệu USD, tăng 0,45% về lượng và tăng 0,11% về kim ngạch). Về thị trường, thủy sản An Giang xuất khẩu qua 77 nước, trong đó tỷ trọng cao nhất vẫn là thị trường Châu Á (chiếm 51,6% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp, riêng Ả-rập-xê-út đạt 4.162 tấn, chiếm 14,73%), kế đến là Châu Mỹ (chiếm 31,47%), còn lại là 20 nước Châu Âu, 3 nước Châu Đại Dương và 7 nước Châu Phi. Giá thủy sản đông lạnh xuất khẩu bình quân quý I đạt 2.411,01 USD/tấn, tăng 11,01 USD/tấn.

Đối với mặt hàng gạo, ước xuất khẩu quý I-2020 đạt 127.539 tấn, tương đương 64,52 triệu USD, tăng 2,03% về lượng và tăng 1,29% về kim ngạch. Gạo An Giang xuất qua 39 nước, trong đó chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (chiếm 84,53% trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp), kế đến là Châu Phi (chiếm 12,3%), còn lại là 7 nước Châu Âu, 4 nước Châu Mỹ, 4 nước Châu Đại Dương. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 505,88 USD/tấn, giảm 3,72 USD/tấn.

Đối với rau, quả đông lạnh, xuất khẩu quý I-2020 đạt 2.125 tấn, tương đương 3,6 triệu USD, tăng 1,19% về lượng và tăng 2,86 về kim ngạch. Trong khi đó, hàng dệt, may xuất đạt 23,43 triệu USD, tăng 3,44%; hàng hóa khác đạt 33,1 triệu USD, tăng 2,88%.

Tận dụng cơ hội

Theo Sở Công thương, dù xuất khẩu quý I đạt khá nhưng từ quý II-2020, xuất khẩu vẫn tiếp tục gặp khó khăn bởi đây là giai đoạn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trong số các mặt hàng chủ lực của An Giang, cá tra, basa dự báo còn bị vướng khi thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn, dù đã dần mở cửa trở lại nhưng vẫn đang siết chặt kiểm soát cửa khẩu biên giới. Đối với sản phẩm cá tra quá kích cỡ (vượt size), hầu như không thể xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc. Hiện nay, cá tra vượt size chủ yếu tiêu thụ nội địa. Đối với dệt, may, việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc và một số thị trường chính tạm dừng nhập khẩu đang tác động lớn đến các doanh nghiệp may xuất khẩu.

Trong bối cảnh khó khăn chung, lúa, gạo là mặt hàng chủ lực có nhiều điểm sáng khi nhu cầu lương thực thế giới tăng, canh tác lúa ở ĐBSCL thắng lợi về năng suất khi cơ bản “né” được ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn. Vụ đông xuân 2019-2020, nông dân ĐBSCL phấn khởi khi “trúng mùa, trúng giá”. Tuy nhiên, niềm vui này có thể không kéo dài sang vụ hè thu 2020 đang đến gần và vụ thu đông sắp tới nếu xuất khẩu không được khơi thông.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với tổng diện tích xuống giống trên 616.420ha, sản lượng lúa năm 2020 của tỉnh ước đạt trên 4 triệu tấn lúa, nếp, cao hơn năm 2019. Nếu xuất khẩu trên 462.000 tấn gạo như kế hoạch thì sau khi trừ phần lúa giống, để ăn trong tỉnh, bán tiêu dùng nội địa, An Giang vẫn còn tồn gần 271.000 tấn gạo. Trong sản lượng lúa An Giang sản xuất, có những sản phẩm không phục vụ nội địa mà chủ yếu xuất khẩu. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, chỉ riêng nếp và các loại giống lúa Japonica (hạt tròn), tổng sản lượng An Giang sản xuất hơn 822.000 tấn/năm. Chính phủ cần ưu tiên xuất khẩu những mặt hàng này bởi chủ yếu dành cho xuất khẩu, không nằm trong nhóm phục vụ cho an ninh lương thực quốc gia.

Theo thống kê của Sở Công thương, ngay sau khi nhận được thông tin tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo, các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ ngày 24-3 thì có 5 tờ khai hải quan xuất khẩu gạo của 4 công ty trên địa bàn tỉnh đã kê khai nhưng chưa xuất, trong đó còn 7 ghe với số lượng hơn 3.000 tấn gạo đang neo đậu tại cảng Mỹ Thới (TP. Long Xuyên). Nếu tạm dừng xuất khẩu đến hết tháng 4 thì toàn tỉnh có 16 doanh nghiệp không thể giao 48.000 tấn gạo theo hợp đồng đã ký, tương đương giá trị trên 23,6 triệu USD. Trường hợp tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5 thì tiếp tục có khoảng 115.000 tấn gạo không thể giao hàng theo hợp đồng. Khi đó, doanh nghiệp có khả năng bị phạt vi phạm hợp đồng, lượng gạo tồn kho lớn sẽ ảnh hưởng đến giá lúa những vụ tới, gây thiệt hại cho nông dân... Do vậy, tỉnh đề nghị Thủ tướng Chính phủ trước mắt tiếp tục cho xuất khẩu gạo đối với hợp đồng đã ký đến hết tháng 5-2020, sau đó tính toán sản lượng, nhu cầu trong nước để quyết định cấp hạn ngạch xuất khẩu những tháng tiếp theo. Đối với các sản phẩm đặc thù như: nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, Japonica… cần loại trừ ra khỏi diện dừng xuất khẩu vì mục tiêu sản xuất những giống lúa này là dùng để xuất khẩu, không có nhiều ý nghĩa đối với việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan thường xuyên cập nhật tình hình xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh, từ đó khuyến cáo và có biện pháp hỗ trợ xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục liên hệ các tham tán của Việt Nam tại nước ngoài để trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện công tác xúc tiến ra thị trường nước ngoài..

 

NGÔ CHUẨN