Tạo điều kiện lưu thông nông sản, vật tư nông nghiệp

20/08/2021 - 13:48

 - Sáng 20-8, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam và Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đồng chủ trì cuộc họp trực tuyến thúc đẩy vận chuyển, tiêu thụ nông sản và vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư chủ trì cuộc họp tại điểm cầu An Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư phát biểu tại điểm cầu An Giang

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, với sự hỗ trợ của Quân khu 9 về lực lượng, phương tiện, sự thống nhất giữa các tỉnh, thành phố trong khu vực (An Giang, Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang), vấn đề khó khăn từ khâu thu hoạch, vận chuyển từ đồng ruộng đến nhà máy đã được tháo gỡ.

Theo thống kê gần đây, có khoảng 30% lượng xe qua trạm T2 vào tỉnh An Giang có mã QR Code “luồng xanh”, trong đó có nhiều trường hợp chỉ cập nhật thông tin tài xế, không có thông tin người theo xe. An Giang đề nghị tăng cường cấp mã QR Code cho phương tiện đường bộ, cập nhật đầy đủ thông tin, giấy xét nghiệm COVID-19 còn hiệu lực, số điện thoại. Cục Đường thủy nội địa nghiên cứu cấp mã QR Code “luồng xanh” cho phương tiện thủy bởi qua kiểm tra, có những trường hợp tài công, người theo ghe dương tính với COVID-19. Đối với Cục Hàng hải, cần có giải pháp nâng công suất hoạt động của hệ thống cảng ở miền Đông, miền Tây Nam Bộ, tạo điều kiện giải phóng hàng hóa tại các cảng để tiếp nhận hàng mới, khơi thông chuỗi logistics trong lưu thông nông sản, phân bón, vật tư nông nghiệp. Các kiến nghị này được Bộ Giao thông - Vận tải thống nhất, chỉ đạo các đơn vị thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, thời gian tới, vùng ĐBSCL có 3,9 triệu tấn lúa, 600.000 tấn rau, củ, quả, 600.000 tấn trái cây cần vận chuyển. Ông Nam đề nghị tất cả các địa phương cùng thống nhất tạo thuận lợi lưu thông “luồng xanh” (quét mã QR Code bằng điện thoại thông minh, nếu thông tin đầy đủ thì cho đi, thiếu thông tin mới dừng xe kiểm tra); thống nhất giấy xét nghiệm COVID-19 bằng phương pháp test nhanh và PCR đều có thời hạn hiệu lực 72 giờ, ưu tiên nguồn vaccine ngừa COVID-19 tiêm cho lái xe, người theo xe. Đối với cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh), công suất vẫn đảm bảo, thông tin ùn tắc là không chính xác. Các địa phương cần thông tin để doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nông sản trong dân.

Bộ Giao thông - Vận tải và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương bỏ cụm từ “hàng hóa thiết yếu” ra khỏi quy định, cho phép vận chuyển tất cả hàng hóa (trừ hàng cấm). Các tỉnh, thành phố cần có văn bản chỉ đạo thống nhất về quy trình kiểm tra, phân luồng, thời hạn giấy xét nghiệm… đến xuống từng chốt kiểm soát COVID-19.

NGÔ CHUẨN