Tập trung bảo vệ rừng mùa khô

31/01/2020 - 02:56

 - Trước diễn biến khô hạn phức tạp, công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đòi hỏi cần phải được tập trung khẩn trương và nghiêm túc hơn. Trong đó, phòng cháy vẫn là yếu tố tiên quyết.

Không lơ là dịp Tết

Ngay khi bắt đầu vào mùa khô 2019-2020, công tác bảo vệ rừng và PCCCCR đã được đặc biệt quan tâm. Ngày 14-1-2020, Chi cục Kiểm lâm đã triển khai kế hoạch số 01/KH-CCKL về kiểm tra trực bảo vệ rừng, PCCCR. Khi thực hiện chúc Tết các đơn vị công an, quân sự phối hợp trong công tác bảo vệ rừng, PCCCR trên địa bàn 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên (An Giang), công tác kiểm tra cũng được lồng ghép. Ngày 17-1-2020, Chi cục Kiểm lâm đã có công văn số 09/CCKL-BVRBTTN, gửi các Hạt Kiểm lâm liên huyện, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Ban Quản lý Rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh yêu cầu tăng cường công tác bảo vệ rừng và PCCCR năm 2020, kiên quyết không để xảy ra cháy rừng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Chi cục Kiểm lâm cho biết, trong tổng diện tích 16.868ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn An Giang, vùng trọng điểm cháy hơn 7.286ha (chiếm 43,2% diện tích). Trong đó, huyện Tri Tôn có trên 4.274ha thuộc vùng trọng điểm cháy, gồm: vùng đồi núi 2.550ha (khu vực núi Dài, núi Tượng, núi Cô Tô, núi Nam Quy) và vùng đồng bằng 1.724ha (rừng tràm Bình Minh, Lâm trường Tỉnh đội, rừng tràm Tân Tuyến). Đối với huyện Tịnh Biên, có 2.912ha thuộc vùng trọng điểm cháy, gồm: rừng tràm Trà Sư, rừng tràm Nhơn Hưng, khu vực núi Phú Cường, cụm núi Đất, khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô và khu vực Latina - Tà Lọt (thuộc núi Cấm). Huyện Thoại Sơn có 50ha thuộc vùng trọng điểm cháy, tập trung ở khu vực núi Tượng, núi Nhỏ, núi Sập; TP. Châu Đốc có 49,9ha ở khu vực núi Sam.

Kiểm tra hồ chứa nước ở khu vực rừng đồi núi

Đến thời điểm hiện nay, đã tổng kết và triển khai 31/37 phương án, kế hoạch bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn các huyện, xã có rừng. Trong đó, đối với cấp huyện đã triển khai 100% phương án, kế hoạch, gồm: 3 kế hoạch của Ban Chỉ huy về Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững huyện Tri Tôn, Tịnh Biên; phê duyệt 1 kế hoạch để thực hiện của TP. Châu Đốc; 4 kế hoạch hiệp đồng phòng, chống cháy nổ, cháy rừng và cứu sập của Ban Chỉ huy huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP. Châu Đốc. Đối với cấp xã, đã triển khai 21/24 kế hoạch. Đối với các tổ chức có quản lý rừng, đã tập trung triển khai, thực hiện các phương án bảo vệ rừng, PCCCR.

Không được chủ quan

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng ENSO được dự báo nhiều khả năng sẽ duy trì trạng thái trung tính, nhưng nghiêng về pha nóng và vẫn có khả năng duy trì trạng thái này trong những tháng tiếp theo của nửa cuối năm 2020. Nhiệt độ trung bình trên phạm vi cả nước có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ phổ biến từ 0,5-1,5oC.

Đối với khu vực Nam Bộ, mực nước thượng lưu sông Mekong xuống dần và ở mức thấp, lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về đầu nguồn sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20-45%, các tháng cuối mùa ở mức xấp xỉ và cao hơn từ 15-20%. Do vậy, mùa khô năm 2019-2020, khả năng xâm nhập mặn sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn mùa khô năm 2018-2019 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Điều đó có thể gây nên tình trạng thiếu nước, hạn hán, nguy cơ xảy ra cháy rừng và cháy lớn là rất cao, đặc biệt là các khu vực rừng tràm trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh ngày một phát triển mạnh. Lượng khách tham quan, du lịch, hành hương trên các đồi núi trong tỉnh ngày càng tăng, nguy cơ gây cháy rừng sẽ tăng cao hơn trước.

Một khó khăn khác là do giá trị kinh tế từ rừng thấp, trong khi nhu cầu sử dụng đất, sử dụng gỗ vào các mục đích khác ngày càng tăng nên tình hình chặt phá rừng phòng hộ, đồi núi với quy mô nhỏ, lẻ sẽ còn tiếp tục diễn ra. Nếu không được ngăn chặn và xử lý có hiệu quả, tình trạng sử dụng rừng và đất lâm nghiệp không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh sẽ diễn biến phức tạp.

“Diện tích rừng và đất rừng của An Giang không lớn so với các tỉnh, thành trong cả nước nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc phòng hộ bảo vệ môi trường sinh thái, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với sự phát triển của du lịch, bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như phục vụ cho quốc phòng - an ninh biên giới. Do vậy, công tác bảo vệ rừng và PCCCR vẫn sẽ được tập trung tối đa nhằm bảo vệ an toàn cho “lá phổi xanh” của tỉnh và khu vực” - đại diện Chi cục Kiểm lâm An Giang nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN