Tập trung hỗ trợ nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

22/10/2018 - 14:56

 - Đó là một trong những mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đồng Quản lý (HĐQL) quỹ Tiếp sức tài năng An Giang (TSTNAG) đã xác định, nhằm hướng hoạt động của quỹ đúng với tôn chỉ mục đích, đúng với những gì mà tỉnh đang mong đợi.

Trung tâm Công nghệ sinh học của tỉnh là nơi nghiên cứu, chuyển giao và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học

Trung tâm Công nghệ sinh học của tỉnh là nơi nghiên cứu, chuyển giao và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học

Từ anh nông dân chân đất

2 nông dân (ND) vinh dự được quỹ TSTNAG trao tài trợ để thực hiện ước mơ, hoài bão là trường hợp của ông Danh Văn Dưỡng (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn). Ông Dưỡng là người có nhiều năm nghiên cứu, chọn tạo và nhân thành công 3 giống lúa mang tên Hồng Ngọc Óc Eo. Đây là giống lúa khi mang đi xay, hạt gạo có màu đỏ rất đẹp, bắt mắt. Đặc tính của gạo ngọt cơm, thơm và có độ dẽo nhất định. Khi trồng trên đồng ruộng, cây lúa rất cứng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chống chọi được rất nhiều loại sâu bệnh.

Người thứ 2 là ND chân đất Hoa Sĩ Hiền (xã Tân An, TX. Tân Châu). Ông Hiền là người nổi tiếng cả nước và được biết đến như một nhà khoa học ND với công trình nghiên cứu, chọn tạo giống lúa. Sau hơn 10 năm nghiên cứu, ông Hoa Sĩ Hiền đã lai tạo thành công 30 giống lúa mới mang thương hiệu TC, SH. Trong số đó, có giống sinh trưởng tốt ở vùng nước mặn như giống TC7. Mỗi giống lúa mà ông Hiền nhân ra có những đặc tính nổi trội khác nhau so với những giống lúa hiện có ở địa phương. Cụ thể, đó là giống TC26, TC30. Đây là giống lúa cho đặc tính gạo dẽo, mềm cơm và có độ thơm đặc trưng, phù hợp cho người già và trẻ em.

Ngoài ra, ông còn nhân được các loại giống lúa mang nhiều tính năng vượt trội, chống chọi được thời tiết, khí hậu khắc nghiệt mà năng suất rất cao như giống TC21, TC30. Riêng những giống có chữ đầu tiên là SH cho phẩm chất gạo thơm ngon, hạt dài, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là các giống có khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu khô hạn và mặn như SH33, SH34. “Quá trình nghiên cứu, chọn tạo giống lúa rất vất vả nhưng được sự động viên kịp thời của quỹ TSTNAG, tôi lấy làm vinh dự, từ đó có thêm động lực để quyết tâm thực hiện những hoài bão làm khoa học của mình” - ông Hoa Sĩ Hiền chia sẻ.

Đến những kỹ sư nông học

Ngoài 2 ND kể trên, còn có rất nhiều cá nhân tiêu biểu khác nhận được sự tài trợ, tiếp sức từ quỹ. 3 năm trở lại đây, ngoài việc tài trợ cho các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, quỹ TSTNAG còn tập trung hỗ trợ cho nguồn nhân lực của tỉnh để phục vụ việc ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp. Cụ thể, đó là việc hỗ trợ các kỹ sư nông học đi theo chương trình thực tập sinh nông nghiệp tại các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Israel. Mỗi cá nhân nhận được sự hỗ trợ của quỹ là 50 triệu đồng. Sau khi thực hiện xong chương trình nghiên cứu, các sinh viên này đã hoàn trả lại số tiền này để quỹ tiếp tục tạo điều kiện cho người khác. “Trong thời đại khoa học - kỹ thuật phát triển rất nhanh thì việc ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tạo ra bước đột phá về năng suất, cải thiện chất lượng nông sản là điều rất cần thiết. Bởi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp hiện đại sẽ đảm bảo sự phát triển bền vững, bắt kịp xu thế, đáp ứng được nhu cầu về số lượng và chất lượng của nông sản làm ra. Những năm gần đây, HĐQL quỹ TSTNAG tập trung hỗ trợ kinh phí để các thực tập sinh nông nghiệp sang các nước phát triển nghiên cứu, học tập, trong đó có Israel” - Chủ tịch HĐQL quỹ TSTNAG Nguyễn Hữu Khánh thông tin.

Tính riêng trong 2 năm 2017, 2018, quỹ đã hỗ trợ cho 6 sinh viên sang Israel nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hiện đã có 2 sinh viên trở về nước, tiếp tục tham gia nghiên cứu khoa học tại Trung tâm Công nghệ sinh học của tỉnh, 4 sinh viên còn lại đang ở Israel. Để chương trình hỗ trợ này mang lại kết quả cao, mới đây HĐQL quỹ đã có chuyến thăm, làm việc với Ban Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học của tỉnh (xã Vĩnh Bình, Châu Thành) để nắm bắt được nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực, phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học của trung tâm để từ đó quỹ có sự hỗ trợ.

“Sự tài trợ, hỗ trợ hoặc khen thưởng cho các đối tượng của quỹ hoàn toàn không vì động cơ “lấy tiếng hoặc tượng trưng”, mà là sự giúp đỡ, động viên thật sự. Mỗi phần thưởng đều kèm theo hiện kim để tạo điều kiện cho các cá nhân thực hiện hoài bão của mình. Tùy trường hợp cụ thể, quỹ đã tổ chức trao tiền, tặng các loại phương tiện, công cụ cần thiết để tạo điều kiện cho các cá nhân tiêu biểu, xuất sắc phát huy tài năng, tiếp tục thực hiện những đam mê nhằm hướng đến những đóng góp quan trọng cho xã hội. Chính từ những việc làm đó, quỹ đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội và có rất nhiều cá nhân, tổ chức tiếp tục tài trợ kinh phí cho quỹ”- Chủ tịch HĐQL quỹ TSTNAG Nguyễn Hữu Khánh thông tin

Bài, ảnh: MINH HIỂN