Ðể nâng cao giá trị, thương hiệu trái cây tại địa phương, tỉnh Tây Ninh chủ trương phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, mở rộng diện tích đối với vùng có lợi thế về trồng cây ăn trái và tập trung phát triển thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị.
Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã dần hình thành các vùng chuyên canh, từng bước tạo thương hiệu cây ăn trái, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Phan Văn Thà, thị trấn Tân Biên (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) trồng 60 ha mít Thái siêu sớm theo tiêu chuẩn VietGAP đang giới thiệu vườn mít Thái của gia đình.
Nhiều năm trở lại đây, bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, dần hình thành các vùng trồng cây đặc sản, cây ăn trái tập trung theo hướng hàng hoá.
Ðây là hướng đi mới góp phần nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp và gia tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Phát triển bền vững vùng trồng cây ăn trái tập trung
Tổng diện tích cây ăn trái toàn tỉnh Tây Ninh đạt trên 4.739 ha. Nhờ áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến và làm tốt công tác phòng trừ sâu bệnh, sản lượng và chất lượng nhiều loại cây ăn trái tăng mạnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tích cực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân đăng ký mã số vùng trồng đối với nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc gồm 95 vùng trồng và 21 cơ sở đóng gói trái cây.
Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cũng triển khai cho 90 hộ với diện tích hơn 1.000 ha ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc KIPUS; hỗ trợ 5 cơ sở được cấp mã QR và tem truy xuất nguồn gốc…đáp ứng tốt để trái cây cho cả tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp.
Tận dụng thế mạnh của địa phương về đất đai để phát triển vùng cây ăn trái tập trung, nâng cao thu nhập, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm cho địa phương là những mục tiêu mà ông Nguyễn Thanh Cường, chủ trang trại cây ăn trái Cường Niên tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) đang nỗ lực thực hiện.
Ông Cường cho biết, hiện tại, gia đình trồng 20 ha mít Thái siêu sớm, 20 ha bưởi da xanh. Trong quá trình trồng, ông Cường ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào việc chăm sóc. Sau 2 năm thực hiện, vườn cây phát triển tốt, cho năng suất cao.
“Tôi tập trung trồng, chăm sóc mít Thái, bưởi da xanh để sản phẩm đạt năng suất và chất lượng cao. Trong đó, năm 2019, gia đình tôi trồng bưởi da xanh và mít Thái theo tiêu chuẩn VietGAP. Cây mít Thái, cây bưởi da xanh cho trái to, đẹp, năng suất cao, bán được giá hơn so với trước từ 15% đến 20%”- ông Cường chia sẻ.
Nhận thấy thổ nhưỡng nơi đây phù hợp trồng nhiều loại cây ăn trái, năm 2021, ông Cường trồng thêm 30 ha mít Thái siêu sớm, 4 ha quýt đường và 10 ha sầu riêng. Toàn bộ diện tích cây ăn trái đặc sản này được trồng tập trung để trang trại Cường Niên hình thành vùng cây ăn trái theo mô hình cánh đồng lớn, đa dạng hoá sản phẩm.
Ông Cường cho biết thêm, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đang phát triển mạnh vùng trồng cây ăn trái với diện tích lớn.
Ðể có sản phẩm cung cấp cho thị trường, trang trại Cường Niên thành lập tổ liên kết cây ăn trái đặc sản chủ lực của tỉnh Tây Ninh; các thành viên tổ liên kết trao đổi, hỗ trợ nhau trong sản xuất nhằm tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.
Tương tự, với mong muốn xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái có uy tín, thương hiệu và đạt tiêu chuẩn cao, ông Phan Văn Thà (thị trấn Tân Biên, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) triển khai trồng 60 ha mít Thái siêu sớm theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo ông Thà, ông vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái từ những mô hình đã thành công trong và ngoài địa phương. Mít Thái siêu sớm là loại cây dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, giá bán ổn định, năng suất cao.
Ðặc biệt, vài năm trở lại đây, nhu cầu của thị trường đối với mít Thái tăng cao nên khâu tiêu thụ mít Thái rất dễ dàng, thương lái đến tận vườn thu mua với giá ổn định khoảng 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Hơn nữa, theo ông Phan Văn Thà, giống mít Thái này phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương, nếu được chăm sóc tốt, mít sẽ cho trái quanh năm. Thời điểm nào vườn nhà ông Thà cũng có mít Thái bán nên cạnh tranh được về giá.
Ðể nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích trồng cây ăn trái, gia đình ông Thà đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tự động và áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất.
Xây dựng thương hiệu cho trái cây
Dù mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhưng nhiều loại trái cây trong tỉnh Tây Ninh chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để có thương hiệu, nhãn hiệu.
Ðây là điều mà cơ quan chức năng cần quan tâm khắc phục, góp phần thúc đẩy sản xuất cây ăn trái bền vững. Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và tìm mua các sản phẩm bảo đảm chất lượng, từ đó giúp nâng cao giá trị trái cây của tỉnh trên thị trường.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm (ngụ thị xã Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) chia sẻ, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có nhiều loại trái cây rất ngon và đạt chất lượng như sầu riêng cơm vàng hạt lép, bưởi da xanh, nhãn xuồng cơm vàng, xoài tứ quý…
Tuy nhiên, khi vào các siêu thị lớn, các trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh Tây Ninh, tìm “mỏi mắt” cũng không thấy bất cứ thương hiệu trái cây nào của Tây Ninh.
Thương hiệu sản phẩm có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, “chắp cánh” cho nông sản nói chung và sản phẩm trái cây nói riêng vươn xa. Do đó, sản phẩm trái cây phải có thương hiệu để khẳng định vị thế trên thị trường, đặc biệt là sản phẩm sầu riêng cơm vàng hạt lép ở huyện Gò Dầu.
Tại Bàu Ðồn, hiện có khoảng 1.000 ha sầu riêng được sản xuất theo hướng quy mô lớn. Trước sự thay đổi của cơ chế thị trường và nhu cầu của người tiêu dùng, người trồng xác định rõ, chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng nhất.
Ông Phan Hoài Thịnh- Giám đốc Hợp tác xã (HTX) cây ăn trái Bàu Ðồn cho biết, HTX có 30 ha sầu riêng theo hướng VietGAP.
Trong những năm gần đây, sầu riêng là một trong những loại cây trồng có thế mạnh trên địa bàn, giúp nhiều hộ gia đình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, để có bước phát triển vững chắc, địa phương hướng tới việc xây dựng thương hiệu cho loại trái cây này.
Theo ông Thịnh, từ sau khi thành lập HTX cây ăn trái, HTX vận động tất cả các thành viên chuyển dần sang canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học. Bên cạnh đó, HTX đã kết nối với nhiều doanh nghiệp để đầu ra sản phẩm được ổn định hơn.
Ðặc biệt, để nâng cao chất lượng cho sản phẩm, HTX áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quy trình trồng trọt, chăm sóc cây trái. Ngoài việc tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định, các thành viên còn có nhiệm vụ giám sát lẫn nhau để tạo sự thống nhất về chất lượng cho sản phẩm.
Nhiều thành viên đã ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác như sử dụng hệ thống tưới và bón phân tự động. Nhờ đó, sản phẩm sầu riêng đạt chất lượng và được lựa chọn để đăng ký là sản phẩm OCOP của địa phương.
Ông Thịnh cho biết thêm, đạt chuẩn VietGAP chính là một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng cho sản phẩm sầu riêng của địa phương và tạo nên thương hiệu trên thị trường.
Mặt khác, HTX hướng tới sản xuất sản phẩm hữu cơ, an toàn để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ðóng gói sầu riêng để giao cho siêu thị.
Thực tế sản xuất cho thấy, cây sầu riêng được trồng theo phương pháp hữu cơ phát triển tốt hơn, ít bị bệnh, cho năng suất cao hơn so với trước đây; trái có trọng lượng vừa, ruột chắc, có vị ngọt béo đậm đà và mùi thơm đặc trưng.
Bên cạnh đó, để tạo được niềm tin từ phía người tiêu dùng, mở ra cơ hội thuận lợi cho trái sầu riêng, HTX phối hợp với UBND xã, Sở NNPTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tây Ninh làm hồ sơ, thủ tục đăng ký xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sầu riêng, đồng thời dán tem chứa mã QR truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm.
Việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm không phải là chuyện một sớm, một chiều, mà cần cả quá trình lâu dài. Thị xã Hoà Thành có thế mạnh về nông nghiệp với nhiều sản phẩm đặc trưng, như nhãn tiêu da bò có diện tích gần 1.000 ha, trong đó tập trung ở hai xã Trường Hoà, Trường Ðông.
Thời gian qua, địa phương có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Yêu cầu của thị trường là sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Do đó, nhãn hiệu nhãn Hoà Thành được bảo hộ thì nghề trồng nhãn mới có thể phát triển.
Nhãn Hoà Thành được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, giúp khách hàng nhận biết và thưởng thức sản phẩm chính hiệu. Ðặc biệt, nhãn Hoà Thành được thị trường công nhận là loại trái cây ngon, giúp người dân trồng nhãn trên địa yên tâm hơn trong việc đầu tư, sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Có thể nói, việc từng bước hình thành các vùng chuyên canh cây ăn trái chất lượng cao gắn với thị trường tiêu thụ khẳng định hiệu quả của dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Tây Ninh.
Thời gian tới, tỉnh Tây Ninh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây ăn trái; đẩy mạnh chuyên canh các loại cây ăn trái theo hướng VietGAP gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm đặc trưng từng vùng.
Theo Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, để cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm. Ðặc biệt, ngành nông nghiệp chú trọng việc liên kết sản xuất - tiêu thụ để vùng cây ăn trái phát triển bền vững.
Theo Dân Việt