Tết xưa qua những trang viết cũ

30/01/2019 - 08:03

 - Khó ai hình dung được những cái Tết cách đây vài chục năm, thậm chí cả thế kỷ đã diễn ra như thế nào. Những trang sách cũ, tờ báo xuân, những thước phim tư liệu… là những nơi lưu giữ ký ức của một thời cho thế hệ tiếp nối hôm nay hoài niệm và hiểu thêm về phong tục Tết xưa.

Cuộc sống ngày nay tuy vật chất đủ đầy hơn nhưng đôi lúc người ta vẫn hoài niệm về những tháng ngày xưa cũ. Khi ấy, chúng ta chưa có điều kiện để ăn Tết với “mâm cao, cỗ đầy” hay những chuyến du lịch dài ngày. Còn chuyện chuẩn bị Tết cũng lắm công phu, chứ không phải thuận tiện như bây giờ, mua gì chỉ cần vào siêu thị (hoặc mua hàng trực tuyến) là có người chở đến tận nhà… Nhưng không khí Tết xưa thì sôi động và hào hứng lắm!

Chừng 25 năm trước, chuyện đón Tết cũng khác xa so với bây giờ. Khoảng ngày 20 tháng chạp nhà nhà bắt đầu làm mứt dừa, mứt gừng, đám trẻ con quây quần xách nước, thổi lửa… Mùi khói pháo quyện với mùi nhang thơm càng khiến cho lòng nôn nao, sục sôi mong chờ Tết. Nhất là đối với đám trẻ con ở quê là nôn nao tới Tết để được mặc quần áo đẹp, mang dép mới và được ăn bánh kẹo. Ngày Tết, con cháu dù nơi đâu cũng cố gắng quay trở về thăm ông bà. Dẫu Tết quê không cầu kỳ nhưng rất đỗi bình dị, in sâu trong trí nhớ biết bao thế hệ.

Những trang báo xuân mang tín hiệu Tết rất đậm đà. Những dịp triển lãm báo xuân luôn thu hút giới trẻ tìm đọc để hoài niệm

Hoài niệm về Tết xưa, người ta chỉ có thể tìm gặp qua những thước phim, những trang viết cũ. Trong cuốn sách “Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa”, tác giả Phạm Công Luận viết: “Cứ đến gần Tết, độc giả Sài thành lại trông đợi những sạp báo dọc đường phố trưng ra những tờ giai phẩm xuân, như những bông hoa mới nở đầy màu sắc, thay cho mấy tờ nhật báo không bìa hàng ngày đầy các cột chữ đen li ti. Có thể nói, các tờ báo xuân mang tín hiệu Tết đậm đà không thua hình ảnh đống dưa cao ngất ở cửa Bắc chợ Bến Thành hay mớ lạp xưởng treo kín mít ở chợ La Cai trên đường Nguyễn Tri Phương. Trên tờ báo đặc biệt này, giống như khi thời tiết chuyển mùa, mọi thứ ồn ào, tranh cãi, lộn xộn của đời thường được tạm gác qua một bên, nhường chỗ cho những cảm xúc sâu lắng, chiêm nghiệm, nhìn lại năm qua và hy vọng cho năm tới”...      

Trong cuốn “Sách Tết Kỷ Hợi 2019”, tác giả (gồm những văn nghệ sĩ đương thời được mến mộ, cùng nhau làm ra một ấn phẩm tâm đắc để gửi đến người đọc đón Tết) giúp chúng ta có dịp hoài niệm về cái Tết xưa với những nét văn hóa đẹp của một thời. Sách gồm những bài viết ghi lại từng cung bậc cảm xúc, suy nghĩ của thời hiện đại ngày nay và nhắc nhớ để chúng ta phải biết giữ gìn, phát triển phong tục Tết xưa của dân tộc với những trang viết sâu lắng.

Đặc biệt, những ngày giáp Tết Nguyên đán, Hội Báo Xuân được tổ chức ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hoạt động chính trị, văn hóa này là nét đẹp truyền thống của báo chí cách mạng nước nhà, mừng Đảng quang vinh, mừng xuân thắng lợi, mừng đất nước hội nhập và phát triển.  

Báo xuân từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đại đa số người dân trong những ngày xuân về Tết đến. Hoạt động trưng bày, triển lãm báo xuân còn là nét đẹp văn hóa truyền thống, giàu chất trí tuệ, đậm nét nhân văn của dân tộc Việt Nam, nhằm tôn vinh những người làm công tác trên mặt trận tư tưởng, văn hóa đã mang đến cho nhân dân “món ăn tinh thần” sống động, hấp dẫn và bổ ích. Các ấn phẩm xuân được trình bày công phu, đa dạng về thể tài, phản ánh sâu sắc những thành tựu kinh tế - xã hội, nét đẹp văn hóa trong phong tục đón Tết cổ truyền của dân tộc và thế giới. Qua đó, cung cấp cho độc giả hàm lượng thông tin phong phú, thiết thực và giới thiệu nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán, hoạt động vui xuân đón Tết của mọi vùng miền, trong và ngoài nước.

Lật giở từng trang viết, chiêm nghiệm từng câu chữ, người đọc có dịp cảm nhận, bắt gặp lại mình của một thời tuổi thơ, với những ký ức đẹp của Tết xưa. Cuộc sống luôn đổi thay, hoài niệm để nhắc về một thời và để từ đó làm động lực phấn đấu trong cuộc sống hiện đại không ngừng biến đổi.  

Bài, ảnh: HỮU HUYNH

 

Liên kết hữu ích