Thách thức lớn với dòng chảy thương mại

29/01/2024 - 10:42

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cảnh báo, việc gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động thị trường toàn cầu có thể trở thành trạng thái “bình thường mới”. Đây là thách thức lớn mà thế giới đang đối mặt, trong bối cảnh bất ổn an ninh ở Biển Đỏ và căng thẳng địa chính trị tại nhiều nơi đe dọa chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại toàn cầu.

Nhận định của lãnh đạo EC được đưa ra trong bối cảnh 2024 được dự báo là “năm quyết định”, với nhiều căng thẳng địa kinh tế hơn, đồng nghĩa chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn thường xuyên hơn và thị trường năng lượng chứng kiến biến động lớn hơn.

Các ngành sản xuất công nghiệp ở châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc xung đột tại Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá năng lượng tăng cao, dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài.

Những khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt càng phức tạp hơn do các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào các tàu vận tải biển quốc tế trên Biển Đỏ gần đây.

Các ngành sản xuất công nghiệp ở châu Âu đã bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc xung đột tại Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng và đẩy giá năng lượng tăng cao, dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài.

Các cuộc tấn công tàu hàng đã làm gián đoạn tuyến vận tải biển quan trọng trên Biển Đỏ, trong khi lưu thông qua kênh đào Panama cũng gặp nhiều khó khăn do hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều năm khiến mực nước xuống thấp, buộc nhà chức trách phải điều độ giảm lưu lượng tàu thuyền qua lại. Việc ngày càng nhiều tàu thuyền tránh đi qua Biển Đỏ làm tăng nguy cơ gián đoạn hoạt động vận chuyển năng lượng, nhất là dầu mỏ.

Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, khoảng 12% lượng dầu và 8% lượng khí tự nhiên hóa lỏng của thế giới đi qua eo biển Bab al-Mandab. Lượng hàng vận chuyển qua tuyến vận tải huyết mạch kết nối châu Âu và châu Á này giảm mạnh.

Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW Kiel) có trụ sở tại Đức, hoạt động thương mại trên toàn thế giới sụt giảm trong bối cảnh lực lượng Houthi ở Yemen tấn công tàu thương mại đi qua Biển Đỏ. Hiện mỗi ngày có khoảng 200.000 container được vận chuyển qua Biển Đỏ, giảm so với con số 500.000 được ghi nhận hồi tháng 11/2023.

Trong tháng 12/2023, khối lượng hàng xuất khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) và khối lượng hàng nhập khẩu vào EU giảm lần lượt là 2% và 3,1%. Mỹ cũng ghi nhận lượng hàng xuất và nhập khẩu giảm 1,5% và 1%.

Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala nhận định, những yếu tố tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu hơn, căng thẳng địa chính trị tăng lên, tình hình gián đoạn mới phát sinh ở Biển Đỏ, các kênh đào Suez và Panama khiến bức tranh thương mại toàn cầu kém lạc quan hơn.

Trước xung đột Hamas-Israel, WTO dự báo thương mại toàn cầu tăng trưởng 0,8% năm 2023 và 3,3% năm 2024.

Tuy nhiên, trong phát biểu mới nhất, bà Okonjo-Iweala cảnh báo tốc độ tăng trưởng thương mại của năm 2024 sẽ thấp hơn. WTO nhận thấy có nhiều nguy cơ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2024 so với các dự báo trước đó.

Nhằm hạn chế tác động của tình hình an ninh trên Biển Đỏ tới chuỗi cung ứng và hoạt động thương mại của châu Âu, EU đang xem xét thành lập một phái bộ an ninh hàng hải tại Biển Đỏ.

Italia mong muốn các nước EU đạt được đồng thuận về vấn đề này, với mục tiêu thành lập phái bộ trước ngày 19/2 tới và đưa vào hoạt động ngay sau đó. Một số nhà ngoại giao EU hy vọng tiến trình sẽ được đẩy nhanh trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại khu vực.

EU từng phản ứng nhanh chóng để hạn chế sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Nhờ các biện pháp khẩn cấp đối phó với khủng hoảng năng lượng, tỷ trọng năng lượng Mặt trời và năng lượng gió trong tổng cung điện năng của EU trong năm nay dự báo sẽ cao hơn tỷ trọng khí đốt, giúp EU yên tâm hơn về bảo đảm nguồn cung năng lượng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Chủ tịch EC nhấn mạnh: Cạnh tranh quốc tế trở nên khó khăn hơn. Đó là trạng thái “bình thường mới” mà chúng ta phải đối mặt.

Trước thực tế này, các nước phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án đối phó nhằm giảm thiệt hại từ tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và dòng chảy thương mại toàn cầu.

Theo ĐAN ANH (Nhân dân)