Thách thức trong sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn

21/04/2023 - 08:57

“Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa…” là chủ trương lớn đã được đề ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Công nhân vận chuyển gạo lên tàu ở cảng Mỹ Thới, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang chuẩn bị xuất khẩu. (Ảnh BỬU ĐẤU)

Đối với lĩnh vực sản xuất lúa gạo, việc hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, quy mô lớn gắn với đổi mới chính sách quản lý và sử dụng đất trồng lúa theo hướng linh hoạt, hiệu quả được coi là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, việc phát triển sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn còn gặp nhiều thách thức.

Vướng mắc từ nhiều phía

Tại nhiều vùng sản xuất lúa trọng điểm trên cả nước, hiện nông dân đang phải đối diện với nhiều thách thức như: Yêu cầu tăng năng suất nhưng phải giảm lượng nước tưới và các yếu tố đầu vào; biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, áp lực sâu bệnh hại gia tăng… Ngoài ra là các thách thức về ứng dụng công nghệ mới, cơ giới hóa vào sản xuất; gia tăng hiệu quả đầu tư từ hoạt động sản xuất lúa. Trong khi đó, nền sản xuất lúa gạo ở nước ta vẫn phần lớn là quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Chính điều này đã gây cản trở cho hoạt động áp dụng công nghệ vào sản xuất.

Thực tế, thời gian qua, đã có nhiều giải pháp giúp ổn định bền vững vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả từ hoạt động sản xuất lúa như chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ lúa gạo; đẩy mạnh các hoạt động tập huấn kỹ thuật canh tác hiện đại vào sản xuất; tập huấn sử dụng các sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm. Tuy nhiên, tất cả giải pháp này nếu muốn đạt hiệu quả thì đều cần triển khai trên diện rộng, quy mô đủ lớn.

Ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp, Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết: Các mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đều có mục tiêu giảm chi phí, giảm thất thoát, giảm phát thải và tăng năng suất lao động, tiết kiệm và nâng cao hiệu suất sử dụng vật tư đầu vào.

Kết quả triển khai thực hiện dự án cơ giới hóa từ năm 2017 đến nay đã xây dựng được 36 mô hình áp dụng cơ giới hóa tại 13 tỉnh, thành phố phía bắc, gồm: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế; thành lập được 24 tổ dịch vụ cơ giới hóa, tổ chức sản xuất 36 mô hình (30-50ha/mô hình), quy mô 1.840ha với 7.580 hộ nông dân tham gia, bình quân các mô hình cho lợi nhuận cao hơn sản xuất đại trà là 6,5 triệu đến 6,8 triệu đồng/ha. Ưu thế là vậy nhưng các mô hình lại chưa nhiều.

Đóng gói gạo xuất khẩu tại Công ty TNHH Phước Thành II, tỉnh Long An. (Ảnh MAI HƯƠNG)

Nguyên nhân là do kết cấu hạ tầng kỹ thuật sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi hiện chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hóa như: Giao thông nội đồng, quy mô đồng ruộng, hệ thống tưới, tiêu, hệ thống điện phục vụ sản xuất, vệ sinh môi trường sản xuất... còn chưa đồng bộ.

Thái Bình là một trong những địa phương đạt được những kết quả đáng kể trong quá trình tập trung ruộng đất quy mô lớn với hơn 1.700 hộ nông dân tích tụ ruộng đất sản xuất theo hướng hàng hóa từ 2ha trở lên; trong đó có hơn 100 hộ tích tụ quy mô từ 7ha trở lên.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn vướng mắc. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, Vương Đức Hằng cho rằng: Việc xây dựng các mô hình sản xuất quy mô lớn vẫn còn hạn chế là do diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; việc liên kết tổ chức sản xuất-tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp thông qua hợp đồng còn ít và hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, việc tích tụ ruộng đất vẫn mang tính tự phát, tích tụ không thành vùng gây khó khăn trong quản lý và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất. Chưa kể, các hộ tích tụ đều thiếu vốn đầu tư sản xuất trong khi nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước lại khó tiếp cận cho nên việc đầu tư máy móc, khoa học-kỹ thuật trong sản xuất vẫn rất khó khăn. Ngoài ra, đối với một số khu vực đất nông nghiệp bỏ hoang, người dân không cho thuê, cho mượn do lo sợ mất ruộng cũng ảnh hưởng đến việc tích tụ.

Giải pháp vốn và công nghệ

Để thúc đẩy sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn, vốn và công nghệ là hai giải pháp quan trọng hàng đầu. Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, thời gian tới sẽ đầu tư tín dụng hướng tới sản xuất chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị, chất lượng nông sản, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, tăng khả năng liên kết trong chuỗi giá trị toàn cầu của sản phẩm nông nghiệp; đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp theo vùng sản xuất tập trung, chú trọng vào các danh mục sản phẩm chủ lực, các thế mạnh của địa phương theo định hướng chung và trên cơ sở lợi thế so sánh của địa phương, của vùng, qua đó nâng cao hiệu quả, chất lượng tín dụng.

Tuy nhiên, cùng với nỗ lực của ngân hàng, các ngành chức năng cũng cần tiếp tục có những giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tạo thuận lợi để các hộ nông dân đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nông nghiệp như Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cũng đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất lúa gạo hàng hóa bền vững, quy mô lớn thông qua các hoạt động như: Nghiên cứu và hợp tác trong lĩnh vực hạt giống; khởi động chương trình phát triển hạt giống lúa thuần; nghiên cứu thành công quy trình Gromore™ (giải pháp tích hợp kỹ thuật trong canh tác lúa); hợp tác với Trung tâm Khuyến nông quốc gia áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất lúa; nghiên cứu phát triển bộ sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật phù hợp ứng dụng các công nghệ và tiến bộ mới trong sản xuất...; hợp tác với các cơ quan chức năng phát triển mô hình đại điền trong sản xuất lúa qua việc thành lập câu lạc bộ đại điền và kết nối các câu lạc bộ này với hệ thống cung ứng vật tư nông nghiệp.

Ông Nguyễn Đức Trường, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Thành cho rằng, công nghệ tự động hóa, thông minh sẽ thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hiện công ty có nhiều giải pháp công nghệ được áp dụng thực tế như máy bay nông nghiệp đa chức năng, hệ thống thiết bị lái tự động cho máy nông nghiệp, trạm giám sát nông nghiệp thông minh… nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để việc ứng dụng công nghệ được triển khai rộng rãi, thì chính quyền địa phương cần có chính sách thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, đồng thời có chính sách hỗ trợ người sản xuất áp dụng hiệu quả trong thực tế sản xuất.

Theo TIẾN ANH (Nhân Dân)