Chính vì cách nuôi chim bồ câu khác lạ là thả vườn mà chị Tuyến nâng cao hiệu quả nuôi chim bồ câu thương phẩm lên 1,5 - 1,8 lần so với cách nuôi truyền thống, tạo thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng.
Nhờ đam mê, học hỏi, chị Tuyển, xã Đồng Thanh (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) sáng tạo, nâng cao hiệu quả nuôi chim bồ câu.
Mấy năm trước, chị Tuyển nuôi vài đôi chim bồ câu với mục đích làm thực phẩm. Nhận thấy nhiều khách hàng có nhu cầu mua chim bồ câu thương phẩm, chị Tuyển quyết định mở rộng quy mô, nuôi chim bồ câu kinh doanh.
Chim bồ câu ta cho chất lượng thực phẩm cao nhưng trọng lượng thấp, khách hàng chưa ưng ý. Chim bồ câu Pháp tuy con to nhưng chất lượng thịt không cao.
Chị quyết định nuôi giống chim bồ câu lai giữa chim bồ câu ta và giống chim bồ câu Pháp để có chất lượng thịt thơm, ngon, trọng lượng đã được cải thiện đáng kể so với bồ câu ta.
Chị Tuyển cải tạo khu vườn rộng khoảng 50m2 để nuôi thả chim bồ câu. Chị thiết kế có đủ chỗ kê vài trăm lồng chim, sân chơi có mái tôn che mưa nắng, sân tắm cát sỏi, sân tắm nắng, thậm chí có cả chỗ “soi gương” thông qua 1 mảnh lưới căng trên mặt ao cho chim bồ câu “ngắm nghía”.
Chị nuôi thả, không nhốt nhưng các đôi chim bồ câu chỉ quanh quẩn ở sân chơi hoặc quanh nhà, không bay đi xa. Để tiết kiệm chi phí đầu tư, chị Tuyển mua những chiếc giỏ đựng hoa quả đã qua sử dụng, cắt 1 phần làm cửa lồng, lót rơm vào ổ, như vậy 1 chiếc lồng chim hoàn chỉnh có chi phí chỉ 5.000 đồng.
Chị tận dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có ở địa phương như ngô, thóc, đậu tương xay vỡ hạt làm thức ăn cho chim bồ câu.
Nhờ đó chất lượng chim bồ câu thương phẩm cao, tiết kiệm chi phí đầu tư. Chị luôn chú ý bổ sung thành phần là muối hạt và các vi chất cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho chim bồ câu.
Kỹ thuật cho chim bồ câu đẻ, ấp trứng của chị Tuyển khá đặc biệt. Chị chia 180 đôi chim bồ câu bố mẹ thành 2 “đội”: một đội chuyên đẻ trứng, một đội chuyên nuôi chim non.
Với những cặp chim bố mẹ chuyên sinh sản, chị sẽ để chim đẻ trứng, sau đó lấy trứng của chim bồ câu cho vào lồng ấp điện, khi không còn trứng, chim bố mẹ không mất thời gian ấp trứng nữa, rút ngắn thời gian đẻ trứng từ 45 ngày xuống 22 - 23 ngày/lứa.
Đối với đội chim bố mẹ chuyên nuôi con, chúng vẫn đẻ trứng nhưng sau khi lấy trứng thật cho vào lồng ấp, chị Tuyển sẽ thay vào ổ là những quả trứng nhựa có hình dáng y hệt như trứng thật để chúng ấp.
Chị Tuyển cho biết, cách làm này là nhằm nâng cao tỷ lệ nở trứng do nhiệt độ, độ ẩm ở lồng ấp ổn định hơn và rút ngắn được thời gian nở của trứng.
Ngoài ra, dùng trứng giả là do chim bồ câu non từ 1 - 10 ngày tuổi cần phải được bồ câu bố mẹ chăm sóc hoàn toàn, bồ câu non chỉ ăn thức ăn được bố mẹ mớm cho.
Thức ăn này được gọi là sữa diều và chim bồ câu mẹ chỉ có sữa diều khi đã ấp trứng từ 8 - 10 ngày. Sử dụng trứng giả thay thế vào ổ ấp để bồ câu mẹ theo bản năng sẽ có sữa nuôi con. Đội chim bố mẹ này sẽ có nhiệm vụ nuôi con non của mình và của cả của cặp chim khác ở đội sinh sản.
Sau chu trình khoảng 2 tháng, chị Tuyển sẽ đảo nhiệm vụ của 2 đội chim bố mẹ cho nhau nhằm bảo đảm sức khỏe của tất cả cặp chim bố mẹ.
Với cách làm này, trong cùng 1 thời gian và chi phí đầu tư, chị Tuyển nâng cao hiệu quả sản xuất chim bồ câu thương phẩm lên 1,5 - 1,8 lần so với cách truyền thống.
Hiện mỗi tháng, gia đình chị Tuyển xuất ra thị trường 180 - 190 cặp chim bồ câu thương phẩm. Với giá bán 110.000 đồng/cặp, trừ chi phí đầu tư chị Tuyển thu lãi 7 - 10 triệu đồng mỗi tháng từ mô hình nuôi chim bồ câu thả vườn.
Chị dự định sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi chim bồ câu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng. Ngoài ra, chị kết hợp nuôi thêm 300 con gà mái đẻ, 300 con vịt đẻ, vịt thịt và thả cá ở ao, tận dụng chất thải chăn nuôi để trồng rau màu như bí xanh, mướp, rau cải trên vườn …
Cần cù, chịu khó và sáng tạo trong lao động, chị Tuyển có nguồn thu gần 200 triệu đồng mỗi năm từ gia trại tổng hợp, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống của gia đình.
Theo Dân Việt