Tháng Thanh niên 2024: Khởi nghiệp thành công từ mô hình nông nghiệp sạch

22/03/2024 - 14:38

Mặc dù đời sống kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Ngô Hoàng Khiêm (sinh năm 1992, ấp Lái Viết Ngọn, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu), là đoàn viên Chi đoàn ấp Lái Viết Ngọn, đã không ngừng phấn đấu để thi đỗ đại học.

Sau khi tốt nghiệp, anh trở về quê hương khởi nghiệp bằng mô hình nông nghiệp sạch, đạt lợi nhuận mỗi năm trên 1 tỷ đồng. Thành công của Ngô Hoàng Khiêm đã cổ vũ mạnh mẽ nhiều thành niên địa phương thực hiện khát vọng lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, vươn lên làm giàu.

Chú thích ảnh

Anh Ngô Hoàng Khiêm theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của mướp. Ảnh: TTXVN phát

Lợi nhuận tiền tỷ nhờ tư duy đột phá

Ngô Hoàng Khiêm mang đến cho mọi người ấn tượng về một thanh niên “rẳn rỏi”, có khát khao vươn lên mạnh mẽ. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp tại Trường đại học Cần Thơ, Khiêm xin vào làm tại một số công ty trong và ngoài nước. Gần 6 năm làm việc tại các tình, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Khiêm đã tích lũy cho mình không ít kinh nghiệm cùng cơ hội vươn lên vị trí làm việc cao hơn. Mặc dù vậy, Khiêm luôn mong muốn được làm giàu trên chính quê hương của mình.

Quyết tâm trở về quê hương lập nghiệp, với những kiến thức được đào tạo ở trường đại học cùng tinh thần học hỏi, Khiêm bắt đầu tìm hiểu các mô hình trồng rau màu. Đắn đo nhiều lần, cuối cùng anh chọn trồng mướp hương thương phẩm, bởi đây là mô hình phù hợp điều kiện thổ nhưỡng, ít công sức chăm sóc so với các loại rau màu khác, nhưng thu nhập mang lại khá cao. Khiêm thuyết phục gia đình cải tạo đất ruộng, làm giàn trồng hơn 3 ha mướp hương. Vừa làm vừa học, chỉ sau 2 năm áp dụng, mô hình trồng mướp hương thương phẩm đã mang về cho Khiêm và gia đình lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng/năm.

Khiêm chia sẻ: “Mướp có vòng đời từ 2 - 3 tháng, trồng và chăm sóc đến khoảng 45 ngày tuổi là có thể thu hoạch đợt đầu. Từ thời gian này, có thể thu hoạch mỗi ngày cho đến khi dọn dây. Trồng mướp thương phẩm ít chi phí, không tốn nhiều công sức chăm sóc nên có thể tận dụng nhân công tại nhà”.

Hiện tại, Khiêm đang áp dụng mô hình trồng mướp theo hướng sản xuất hữu cơ. Theo đó, trong quá trình chăm sóc mướp, Khiêm chủ yếu sử dụng phân hữu cơ, phun xịt các thuốc phòng và trị bệnh theo phương pháp sinh học, đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Nhờ sản xuất theo hướng này, sản phẩm mướp hương của anh luôn có đầu ra ổn định, được thương lái thu mua giá cao so với thị trường.

Liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất

Chú thích ảnh

Anh Ngô Hoàng Khiêm thu hoạch và vận chuyển mướp về điểm tập kết. Ảnh: TTXVN phát

Hiệu quả mang lại từ mô hình trồng mướp hương thương phẩm của Ngô Hoàng Khiêm đã làm thay đổi tư duy sản xuất, cách nghĩ, cách làm của thanh niên và nông dân địa phương. Nhiều người tìm đến Khiêm với mong muốn được hỗ trợ thực hiện mô hình. Hiện tại, có gần 10 hộ dân liên kết sản xuất với Khiêm để đảm bảo đủ cùng cấp cho thị trường với số lượng lớn. Khiêm cho biết: "Sản phẩm mướp hương thương phẩm hầu hết được cung cấp cho các chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng, Ngô Hoàng Khiêm cùng với các nông dân khác đang chuẩn bị thành lập hợp tác xã trồng màu. Điều này không chỉ góp phần tăng sản lượng, đáp ứng đủ nhu cầu thị trường, mà còn tạo cơ hội để hợp tác xã tiếp cận được nơi thu mua trực tiếp, bao tiêu sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài ra, Khiêm còn trồng xen canh các loại rau màu khác như: cà tím, bông súng, thả thêm cá dưới ao để tận dụng tối đa nguồn phế phẩm từ mướp. Cùng với đó, Khiêm cũng đang cải tạo thêm 2ha đất lúa để trồng mướp đắng thương phẩm. Mô hình này hứa hẹn mang lại nguồn thu không nhỏ trong chuỗi mô hình khởi nghiệp làm nông nghiệp mà chàng thanh niên trẻ đang thực hiện.

Thành công từ sự năng động và nhiệt huyết tuổi trẻ của Ngô Hoàng Khiêm Khiêm đang truyền nguồn năng lượng tích cực đến những người trẻ của địa phương. Chị Nguyễn Thị Thúy Duy, Bí thư Huyện Đoàn Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu đánh giá: Ngô Hoàng Khiêm là đoàn viên nổi bật của địa phương, có ý chí, khát vọng lập nghiệp và đã thành công. Mô hình sản xuất nông nghiệp mà Khiêm thực hiện giúp nhiều đoàn viên thanh niên có điều kiện giao lưu, học hỏi để cùng nhau phát triển kinh tế. Huyện Đoàn sẽ thường xuyên đẩy mạnh hoạt động định hướng nghề nghiệp, việc làm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên lựa chọn hướng đi phù hợp trên quê hương mình. Đặc biệt, Huyện Đoàn sẽ vận dụng các nguồn vốn chính sách từ các ngân hàng hoặc quỹ vay vốn để hỗ trợ đoàn viên có nhu cầu khởi nghiệp và thành công như mô hình của Đoàn viên Ngô Hoàng Khiêm.

Theo TTXVN