Thay đổi để thích ứng với dịch bệnh

03/11/2021 - 04:28

 - Để thích ứng với dịch bệnh trong tình hình mới, người dân và doanh nghiệp (DN) dần thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh (SXKD) để thích ứng an toàn, linh hoạt, vừa bảo đảm cuộc sống hàng ngày diễn ra bình thường, vừa phục hồi, phát triển kinh tế mà vẫn đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Trong cuộc sống hàng ngày

Đã hơn 2 năm qua, “dịch COVID-19” trở thành cụm từ được nhắc đến mỗi ngày trong cuộc sống của chúng ta. Dịch bệnh COVID-19 đã có những tác động sâu sắc, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt của đời sống xã hội. Suốt thời gian qua, đặc biệt, trong thời điểm khi Việt Nam phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong lần bùng phát thứ 4 này, mỗi người dân, gia đình, DN, để duy trì, đảm bảo những điều kiện sống cơ bản và SXKD đòi hỏi sự chủ động thay đổi để thích ứng với dịch bệnh.

Hiểu rõ những nguy hiểm của dịch bệnh COVID-19 nên dù đang ở trạng thái bình thường mới nhưng chị Lê Thị Ngọc Trân (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) luôn ý thức việc giữ gìn sức khỏe cho mình và gia đình bằng việc chấp hành nghiêm quy định phòng dịch của địa phương cũng như những khuyến cáo của ngành y tế.

Chị Ngọc Trân chia sẻ: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn nguy hiểm, khó lường. Mặc dù đã tiêm vaccine nhưng tôi luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chuẩn bị thêm nước rửa tay, kính chắn giọt bắn, hạn chế đi lại, giao tiếp, tụ tập nơi đông người và nghiêm túc thực hiện thông điệp “5K” của Bộ Y tế tại nơi công cộng”.

Có cùng suy nghĩ, anh Nguyễn Thanh Nhàn (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) cho biết: “Từ ngày có dịch COVID-19, tôi luôn chủ động đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. Đặc biệt, tôi thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 trên phương tiện thông tin đại chúng để chủ động sắp xếp, điều chỉnh lịch trình di chuyển cũng như công việc của bản thân và gia đình cho phù hợp, an toàn. Thực hiện quét QR Code khai báo y tế ở tất cả mọi nơi đi và đến”.

Còn cô Nguyễn Thị Kim Thoa (TP. Long Xuyên) chia sẻ: “Với cá nhân tôi, dịch bệnh COVID-19 đã có những tác động rất lớn buộc mình thay đổi theo để thích ứng, đã hình thành những thói quen tốt, như: phải rửa tay thường xuyên và luôn đeo khẩu trang khi ra đường, tự giác tập thể dục vào mỗi buổi sáng hay vào thời điểm nào đó thích hợp, ăn uống đúng giờ và đầy đủ dinh dưỡng hơn.

Chắc chắn việc hình thành những thói quen này sẽ rất tốt cho chúng ta trong cuộc sống ở trạng thái bình thường mới”. Mỗi người mỗi cách khác nhau để thích ứng với dịch bệnh, nhưng ai cũng chủ động từ bỏ những thói quen cũ để thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19. Vì họ ý thức rằng, đó là điều kiện quan trọng để có thể duy trì hoạt động sinh hoạt hàng ngày ở trạng thái bình thường mới.

Trong sản xuất - kinh doanh

Đối với hoạt động SXKD tại các DN, hộ kinh doanh nhỏ đã từng bước khắc phục khó khăn, sáng tạo, linh hoạt với các giải pháp thay đổi để thích ứng bắt nhịp SXKD trong từng ngành nghề, lĩnh vực, từng đơn vị. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang Nguyễn Văn Ký cho biết, khi công ty phục hồi các hoạt động sản xuất, công nhân và người lao động trong công ty phải thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch, trong đó chú trọng thực hiện “5K + vaccine”.

Do đó, để bắt đầu trở lại sản xuất, việc đầu tiên công ty thực hiện là lo cho toàn bộ 100% công nhân, người lao động được tiêm vaccine. Bên cạnh đó, anh em trong công ty luôn giám sát, hỗ trợ, nhắc nhở nhau trong sinh hoạt và xét nghiệm, sàng lọc, cách ly các trường hợp có biểu hiện nghi nhiễm, tuyệt đối không để xảy ra dịch bệnh tại nơi làm việc. Đồng thời, công ty cam kết sẽ thực hiện theo đúng phương án trở lại hoạt động sản xuất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, để vừa đảm bảo hiệu quả công việc, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Không chỉ đối với các DN lớn, các hộ kinh doanh nhỏ đang dần thay đổi một cách linh hoạt, từng bước trở lại hoạt động nhưng vẫn không quên tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Anh Dương Minh Tân (một hộ kinh doanh quán ăn ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) cho biết, được buôn bán trở lại là điều mong muốn của người kinh doanh, tuy nhiên trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay thì việc chấp hành các quy định phòng, chống dịch là rất cần thiết.

“Những ngày gần đây, thực hiện khuyến cáo của chính quyền địa phương và ngành chức năng, quán ăn của tôi chỉ bán cho khách mang về. Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên tôi cũng không thể lơ là, chủ quan trong bảo vệ sức khỏe của bản thân và khách hàng” - anh Tân chia sẻ.

Dịch bệnh COVID-19 đã làm thay đổi thói quen mua bán truyền thống sang mua bán trực tuyến của rất nhiều người. Chị Nguyễn Lê Thảo Nguyên (huyện Phú Tân) cho biết, nếu như trước đây cửa hàng bán khô của gia đình chị chỉ bán trực tiếp. Có thời gian chị đăng sản phẩm bán trên mạng xã hội Facebook, Zalo… nhưng bán không được nhiều. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh COVID-19 xuất hiện và bùng phát thì việc bán hàng trực tuyến (online) rất thuận lợi và số lượng sản phẩm bán ra cũng như lượng khách mua tăng lên rất nhiều.

“Khách chỉ cần chọn mua sản phẩm, chốt đơn hàng là tôi giao tới nơi. Khách nhận hàng rồi thanh toán cho mình. Có những khách quen thậm chí thanh toán trước khi hàng được chuyển đi. Tôi và khách hàng vừa tiện lợi trong giao dịch vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 do không cần phải tiếp xúc trực tiếp” - chị Nguyên chia sẻ.

Chủ động thay đổi để thích ứng dịch bệnh trong cuộc sống hàng ngày và SXKD của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng và DN sẽ tạo nên sức mạnh vượt qua khó khăn thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 an toàn, vừa khôi phục phát triển kinh tế hiệu quả trong trạng thái bình thường mới

 

TRỌNG TÍN