Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 mới được phát hiện tháng 11 vừa qua đang lây lan nhanh tại nhiều nước, với Iran là quốc gia mới nhất ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron. Ca mắc là người trở về từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Auckland, New Zealand. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Campuchia cùng ngày xác nhận nước này phát hiện thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron. Trong khi đó, New Zealand thông báo phát hiện 5 ca nhiễm biến thể Omicron là các hành khách quốc tế nhập cảnh, nâng tổng số ca nhiễm biến thể mới tại nước này lên là 13 ca. Hiện 4 trong số các ca nhiễm Omicron hiện vẫn đang ở khu cách ly, 1 người đã phục hồi và kết thúc cách ly.
Biến thể Omicron cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc mới tại nhiều nước gia tăng mạnh. Ireland thông báo đã ghi nhận 7.333 ca mắc mới trong ngày 18-12, gấp đôi so với 3.628 ca một ngày trước đó. Trong tuyên bố của Cơ quan Y tế Ireland, Giám đốc Tony Holohan cảnh báo dựa trên tình hình quốc tế gần đây và sự lây lan nhanh của biến thể Omicron tại nước này, nhiều khả năng Ireland sẽ ghi nhận số ca mắc mới tăng vọt trong một thời gian ngắn sắp tới.
Số liệu thống kê cho thấy số ca mắc mới trong ngày 18-12 là mức cao thứ ba trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở quốc gia châu Âu này hồi tháng 2-2020. Ngày 17-12, cơ quan trên cho biết gần 35% số ca mắc mới tại nước này là do nhiễm biến thể Omicron.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Mississauga, Ontario, Canada, ngày 15-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Canada, số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng cao do biến thể Omicron. Trong vòng 24 giờ tính đến chiều 18-12, nước này ghi nhận 7.566 ca bệnh mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.874.473 ca, trong đó có 30.040 ca tử vong. Theo kênh truyền hình CTV news, hai tỉnh đông dân của Canada gồm Quebec và Ontario mỗi nơi ghi nhận hơn 3.000 ca mắc mới. Theo đó, một ngày sau ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong ngày, Quebec thông báo có thêm 3.631 ca COVID-19 và 2 ca tử vong. Số bệnh nhân nhập viện cũng gia tăng. Trong khi đó, Ontario ghi nhận 3.301 ca mắc mới và 4 ca tử vong. Nhiều địa phương khác tại Canada như tỉnh Nova Scotia cũng ghi nhận các diễn biến tương tự.
Cùng ngày, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) công bố báo cáo cập nhật cho biết Trung Quốc đại lục ngày 18-12 ghi nhận 44 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, gồm 31 ca tại tỉnh Chiết Giang, 10 ca tại tỉnh Thiểm Tây và 3 ca tại tỉnh Quảng Đông. Ủy ban trên cho biết thêm cũng đã có 39 ca mắc nhập cảnh trong ngày 18-12 tại 9 tỉnh thành. Ngoài ra, trong tổng số 41 ca bệnh mới không triệu chứng, có 37 ca là các trường hợp nhập cảnh.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 11-12-2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong bối cảnh Chính phủ Hàn Quốc tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, số ca mắc mới trong ngày 19-12 ở nước này đã giảm xuống dưới ngưỡng 7.000 ca, lần đầu tiên trong 5 ngày trở lại đây. Trong các ca mắc mới, có 12 ca nhiễm biến thể Omicron. Như vậy, tổng số ca nhiễm biến thể này tại Hàn Quốc hiện tăng lên thành 178 ca. Cũng theo KDCA, số ca nguy kịch ngày 19-12 đã tăng lên mức cao chưa từng có, với 1.025 ca, kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Hàn Quốc.
Dịch bệnh phức tạp cũng buộc nhiều nước cân nhắc siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch, trong đó có Anh. Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid ngày 19-12 cho biết Anh không loại trừ khả năng áp đặt thêm các hạn chế phòng dịch COVID-19 trước lễ Giáng sinh. Nước Anh đã chứng kiến số ca nhiễm biến thể Omicron tăng mạnh trong ngày 18-12, và giới chức cho rằng đó mới chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bộ trưởng Javid cho biết chính phủ Anh đang nghiêm túc tiếp thu các ý kiến chuyên gia, theo dõi số liệu gần như hàng giờ và sẽ cân đối giữa lợi ích phòng dịch với tác động đến xã hội, kinh doanh và giáo dục của việc áp đặt hạn chế.
Cùng ngày, Bộ Y tế Israel thông báo bổ sung thêm 10 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh nhằm ngăn chặn đà lây làn của biến thể Omicron. 10 quốc gia trên bao gồm Mỹ, Italy, Bỉ, Đức, Hungary, Maroc, Bồ Đào Nha, Canada, Thụy Sĩ và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo quy định mới, những công dân Israel, dù đã tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh, trở về từ những nước trên buộc phải cách ly trong ít nhất 7 ngày.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Moskva, Nga ngày 9-10-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Liên quan đến vaccine, Nga dự kiến sẽ tiến hành thử nghiệm lâm sàng loại thuốc có thể kiểm soát khả năng nhân lên của virus SARS-CoV-2 vào nửa cuối năm 2022. Ông Alexander Gintsburg, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc gia về dịch tễ học và vi sinh vật Gamaleya cho biết loại thuốc trên là hợp chất phân tử có đặc tính ức chế khả năng nhân lên của virus trong cơ thể người bệnh, kể cả những người đang trong giai đoạn bệnh nặng. Đây rõ ràng là loại thuốc cần thiết "đặc biệt đối với những bệnh nhân chưa tiêm vaccine”. Chuyên gia y tế này cũng cho biết loại thuốc chữa COVID-19 thứ ba của Nga có tên gọi Ftortiazinon có khả năng ngăn ngừa biến chứng nhiễm khuẩn ở bệnh nhân COVID-19. Hiện loại thuốc này đang được thử nghiệm giai đoạn hai.
Liên quan đến vaccine Sputnik V ngừa COVID-19, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 19-12 bày tỏ tin tưởng rằng Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ sớm cấp phép cho loại vaccine này trong vài tháng tới, và Nga cũng sẽ thúc đẩy châu Âu thông qua loại vaccine này. Ông Peskov nhấn mạnh, việc Sputnik V chưa được cấp phép là do những khác biệt về yêu cầu thủ tục giấy tờ, dẫn đến khó khăn trong việc nộp các số liệu cần thiết cho việc cấp phép. Ông khẳng định sẽ phải mất một thời gian để các bên dung hòa các yêu cầu này.
Trong khi đó, giới khoa học Canada khuyến nghị để ngăn nhiễm biến thể Omicron, nên sử dụng khẩu trang y tế hoặc loại chuyên bảo vệ hô hấp N95, hoặc có thể đeo nhiều lớp khẩu trang. Theo Giáo sư Peter Juni, người đứng đầu ban cố vấn khoa học bang Ontario, hiệu quả lọc virus của khẩu trang vải một lớp chỉ ở mức tối thiểu. Hiện tại có nhiều ý kiến cho rằng nên đeo thêm khẩu trang y tế hoặc khẩu trang bảo vệ hô hấp N95 ra bên ngoài khẩu trang vải 1 lớp để đảm bảo an toàn.
Tháng 11, Cơ quan Y tế công Canada (PHAC) đã cập nhật hướng dẫn về việc sử dụng khẩu trang, trong đó nêu rõ: “Nhìn chung, khẩu trang thông thường có thể giúp dịch COVID-19 lây lan, nhưng khẩu trang y tế và khẩu trang chuyên dụng bảo vệ đường hô hấp N95 sẽ có hiệu quả bảo vệ tốt hơn”. Cơ quan này cũng khuyến nghị nhóm những người có nguy cơ cao mắc bệnh hoặc chuyển biến nặng nên dùng khẩu trang y tế.
Theo THANH HƯƠNG (TTXVN)