Thi đua “Dân vận khéo” gắn với thực hiện quy chế dân chủ

26/02/2020 - 04:31

 - Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện quy chế dân chủ được các cấp ủy Đảng lãnh đạo, triển khai rộng rãi đến toàn thể đảng viên, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị, địa phương.

An Phú thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” và xã hội hóa xây dựng cầu giao thông

Trên địa bàn tỉnh An Giang đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình, như: “Chung tay xây dựng khu dân cư thân thiện môi trường trên địa bàn điểm nông thôn mới”, “ứng dụng nhà sấy bằng năng lượng mặt trời bảo quản nông sản, thực phẩm, thủy sản”…

Đặc biệt, nhiều mô hình “Dân vận khéo” như: “Nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nhà nước, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân đi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, để có giải pháp trả lời, hướng dẫn, thuyết phục phù hợp, tạo sự đồng thuận, hạn chế bức xúc, khiếu nại vượt cấp của người dân”; khéo về “Thụ lý xác minh, báo cáo, tham mưu đơn khiếu nại, tố cáo với tinh thần khách quan, công tâm, trung thực, có lý, có tình; biết quan tâm lắng nghe, tiếp nhận các thông tin của người dân để củng cố hồ sơ giải quyết vụ việc thỏa đáng”; khéo “Đặt mình vào hoàn cảnh người khiếu nại, tố cáo khi tham mưu, giải quyết; quan tâm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, nhà nước và tuân thủ pháp luật”.

Cùng với đó, nhiều mô hình được triển khai nhân rộng như: camera giám sát an ninh, giúp đỡ người hoàn lương, ngày không hẹn, ngày không viết, xây dựng cơ quan an toàn về an ninh trật tự, đoàn thanh niên xung kích tham gia bảo đảm an ninh trật tự. Công chức, viên chức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong các lĩnh vực: quản lý ngân sách, quản lý giá - công sản, lĩnh vực tài chính đầu tư, bảo hiểm xã hội…

Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, toàn tỉnh có 2.577 mô hình đăng ký thực hiện ở 2 nhóm danh hiệu “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới” trong năm qua. Có 3.022 mô hình thực hiện (tăng 445 mô hình so với số mô hình đăng ký) trên 4 lĩnh vực, gồm: phát triển kinh tế 571/343 mô hình đăng ký, văn hóa - xã hội 1.855/1.590 mô hình đăng ký, đảm bảo quốc phòng - an ninh 339/351 mô hình đăng ký, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh 257/293 mô hình đăng ký. Trong đó, nhiều mô hình “Dân vận khéo” đã triển khai có hiệu quả ở những năm trước được tiếp tục duy trì và phát triển.

Thông qua phong trào, các tập thể, cá nhân ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố đã đóng góp và vận động đóng góp trên 475 tỷ đồng để phục vụ an sinh xã hội, góp phần thực hiện đạt các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn tỉnh.

Việc thực hiện quy chế dân chủ ở nơi làm việc, các cơ quan, đơn vị, trường học thực hiện nghiêm theo tinh thần Nghị định số 149/2018/NĐ-CP của Chính phủ, được cụ thể hóa thành nội quy cơ quan để thực hiện. Quan tâm tổ chức lấy ý kiến người lao động trước khi ban hành các văn bản thực hiện quy chế dân chủ; thực hiện các chế độ chính sách cho người lao động đúng quy định.

Theo đó, việc thực hiện theo quy chế đối thoại tại nơi làm việc, hội nghị người lao động được quan tâm thực hiện thường xuyên (đối thoại 1-2 lần/năm, thậm chí có nơi cổ phần hóa và thay đổi mô hình hoặc biến động sẽ tiến hành đối thoại 8-10 lần/năm; hội nghị người lao động được tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm).

Với khoảng 95% doanh nghiệp xây dựng quy chế dân chủ tại nơi làm việc, 82% doanh nghiệp tổ chức đối thoại định kỳ, 82% doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động. Nội dung các cuộc đối thoại tập trung: trao đổi tình hình sản xuất-kinh doanh, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, thỏa thuận về điều kiện làm việc, những yêu cầu giữa người lao động với chủ doanh nghiệp...

Qua đó, kịp thời nắm bắt nguyện vọng chính đáng của người lao động, tạo sự đồng thuận giữa người lao động với chủ doanh nghiệp; tăng cường mối đoàn kết thống nhất để cùng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung.

HỮU HUYNH