Thổi hồn cho gạo Việt

22/01/2020 - 03:43

 - Gạo là sản phẩm chủ lực của nền nông nghiệp Việt Nam nhưng giá trị và hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. Do vậy, việc nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt bằng cách ứng dụng những công nghệ mới sau thu hoạch sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống người nông dân.

Công nghệ gạo sấy sữa

Trước khi trở thành một doanh nhân, ông Dương Xuân Quả (thường gọi Năm Nhã) là một nông dân có nhiều sáng tạo trong cải tiến công nghệ lò sấy lúa. Từ quê nhà Phú Tân, ông sang phường Bình Đức (TP. Long Xuyên, An Giang) thành lập DNTN Năm Nhã, nay đã nâng lên thành Công ty TNHH MTV Công nghệ sau thu hoạch Dương Xuân Quả, vừa kinh doanh lò sấy, vừa nghiên cứu công nghệ sau thu hoạch.

Trong quá trình sấy lúa, ông Dương Xuân Quả phát hiện ra khi sấy ở độ ẩm thấp (dưới 10%), hạt gạo xay ra có màu đục như sữa (thị trường gọi là gạo sữa), khi nấu lên có mùi thơm, cơm mềm dẻo, ăn có vị ngọt nhẹ. Đặc biệt, dù để nguội sau 24 giờ hạt cơm vẫn giữ được độ dẻo, thơm.

“Kỹ thuật quan trọng nhất trong công nghệ sấy sữa là phải để quạt nén gió đưa lên được phía trên, chỉ khi nén được gió thì chi phí sấy sẽ thấp. Với những lò sấy có cánh quạt không nén gió được, bắt buộc phải sấy ít và để sấy ra gạo sữa thì hiển nhiên phải tốn chi phí cao”- ông Dương Xuân Quả giải thích.

Nắm công nghệ trong tay, ông Dương Xuân Quả thử nghiệm với 4 loại gạo khác nhau, gồm: Đài thơm 8, OM5451, OM7347, OM4900. Kết quả, chỉ riêng sản phẩm gạo OM4900 đạt được phẩm chất theo yêu cầu: màu sữa, vị ngọt, tăng mùi thơm, giảm độ dẻo, tỷ lệ gạo nguyên chiếm 97%, độ ẩm <10%.

“Có thể nhiều nơi khác vẫn sấy được lên màu gạo sữa nhưng khó lòng đảm bảo được tỷ lệ 97% gạo nguyên vì kết cấu của máy sấy. Đây là yếu tố quyết định đưa gạo sữa Dương Xuân Quả ra thị trường và nhận được phản hồi rất tích cực bằng những lời khen cũng như đơn đặt hàng ngày càng tăng. Công nghệ sấy sữa này, còn giúp gạo có thể lưu trữ quanh năm và đặc biệt phù hợp cho việc xuất khẩu” - ông Dương Xuân Quả cho hay.

Gạo ngon cho người Việt

Ban đầu, chỉ dự định làm ra để tặng bạn bè, người thân nhưng được ủng hộ, ông Dương Xuân Quả bắt tay làm gạo sữa. Trước là kinh doanh, nhưng qua đó còn giúp bà con nông dân nâng giá trị của hạt gạo với mức giá được thị trường chấp nhận.

Nếu cùng 1 loại gạo, giá bình thường chỉ 12.000 đồng/kg nhưng khi sấy độ ẩm thấp, ghi ngoài bao bì là “gạo sữa thơm”, giá bán tăng lên 19.000 đồng/kg. Còn khi đóng gói, có nhãn mác rõ ràng thì chào bán 25.000 đồng/kg thị trường vẫn chấp nhận.

Đã từng xuất thân từ nông dân nên ông hoàn toàn hiểu được, chỉ khi giá trị của hạt gạo nâng lên thì người nông dân mới khá nổi. Do vậy, khi xây dựng thương hiệu gạo sữa, người hưởng lợi sẽ là bà con nông dân. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước sẽ được sử dụng loại gạo có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng cơm thơm, ngon hơn.

Hiện tại, ông Dương Xuân Quả đang liên kết sản xuất 50ha lúa OM4900 cho vụ đông xuân. Theo đó, ruộng lúa hạn chế tối đa việc bón phân, phun thuốc hóa học, thay vào đó là áp dụng phương pháp hữu cơ, như: rải vôi, kết hợp tưới hỗn hợp trứng và sữa tươi để cây lúa hấp thụ tốt dưỡng chất...

Đây sẽ là quy trình mẫu để nông dân từng bước tiếp cận và làm theo trong những vụ tới. Hiện nay, với khả năng về vùng nguyên liệu, lò sấy, ông Dương Xuân Quả có thể xuất ra thị trường 20 tấn gạo sữa/tháng.

ÁNH NGUYÊN