Theo Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), các nước Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,3% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Trong đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Trung Quốc (64,4%), Hà Lan (48,6%), Anh (36,4%), Hàn Quốc (29,1%), Canada (22,3%) và Nhật Bản (20%).
Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu lên tới 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường nhập khẩu cá tra và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản với giá trị nhập khẩu mặt hàng tôm lên đến 677 triệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016.
VASEP nhận định, Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới, khi sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU và Mỹ gặp trở ngại về thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật.
Ngay trong tháng 1, một lô hàng thủy sản xuất khẩu trị giá hơn nửa tỷ USD qua cảng Cát Lái đã được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn lần đầu tiên tổ chức lễ phát lệnh xuất cảng.
Cá tra là một trong những sản phẩm mũi nhọn xuất khẩu của thủy sản Việt Nam.
Trong đó, 1 container tôm đông lạnh 20 tấn, trị giá hơn 290.000 USD xuất khẩu đi Canada, 1 container cá biển 20 tấn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với trị giá hơn 216.000 USD và 1 container cá tra phi lê 22 tấn trị giá hơn 84.000 USD xuất sang thị trường EU. Tổng cộng trị giá lô hàng xuất khẩu thủy sản đầu năm trên 590.000 USD, tương đương gần 13,4 tỷ đồng.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep chia sẻ, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng dự báo xuất khẩu thủy sản trong năm 2018 dự kiến đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017. VASEP nhận định năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhận xét về những khó khăn ngành thủy sản sẽ phải “đương đầu” trong năm 2018, đại diện Vasep cho biết, xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và EU sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chương trình thanh tra cá da trơn, thuế chống bán phá giá và thẻ vàng IUU của Liên minh Châu Âu.
“Nhưng với kế hoạch tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2018 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng”, ông Hòe khẳng định.
Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Ngọc Oai đánh giá, ngành thủy sản hoàn toàn có cơ sở để đạt được con số 9 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong năm 2018.
Còn Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám lại nhấn mạnh, trước mắt, cần phải khẩn trương quyết liệt triển khai các giải pháp theo khuyến nghị của châu Âu (EU), để từ đó EU có ghi nhận và tháo gỡ thẻ vàng. Ngoài ra, cũng cần tiếp tục hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục sự cố môi trường biển và hướng dẫn các địa phương khu vực Nam Trung bộ khắc phục hậu quả thiên tai do mưa, bão cuối năm ngoái sớm ổn định sản xuất và cuộc sống.
Đối với kiểm ngư, cần khẩn trương đưa 10 tàu kiểm ngư đóng mới, sửa chữa vào hoạt động; hoàn thành việc tuyển dụng và đào tạo thuyền viên tàu kiểm ngư; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng Trạm Kiểm ngư Phú Quốc; Kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác hải sản ở trong vùng 20 hải lý theo chỉ đạo của Chính phủ tại 4 tỉnh miền Trung; Thiết lập và vận hành tốt các đường dây nóng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Philippines; đẩy nhanh tiến độ ký kết hợp tác đường dây nóng với Campuchia và Brunei, Indonesia, Thái Lan để góp phần giải quyết nhanh chóng và kịp thời các vấn đề trên biển.
Theo NGỌC YẾN (Công An Nhân Dân)