Tiếp động lực xây dựng 1 triệu ha lúa chất lượng cao

25/05/2023 - 03:32

 - Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL được kỳ vọng tạo đột phá mới cho ngành lúa gạo đất “Chín Rồng”. Vốn có thế mạnh về cây lúa, giờ đây An Giang có thêm sự ủng hộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sự vào cuộc của lãnh đạo tỉnh, sự đồng hành của doanh nghiệp (DN) đầu tàu.

Những con số biết nói

Theo các chuyên gia, nếu đề án được thực hiện hiệu quả, nông dân có thể thực sự sống được bằng cây lúa ngay trên mảnh đất quê hương miền Tây một cách bền vững. Đánh giá này được đưa ra dựa trên cơ sở khoa học, lượng hóa và đo lường về mặt kinh tế.

Cụ thể, với mức đầu tư 25.000 tỷ đồng cho 1 triệu ha lúa chất lượng cao mỗi vụ, tương đương tổng mức đầu tư 75.000 tỷ đồng cho 3 vụ lúa chuyên canh/năm, nhà nông thu về 120.000 tỷ đồng doanh thu, xấp xỉ 5 tỷ USD. Với tỷ suất lợi nhuận bình quân 35%, nông dân thu về 45.000 tỷ đồng tiền lời từ trồng lúa gạo. Mục tiêu lợi nhuận này là con số biết nói, hiện thực hóa định hướng của nhà nước nhằm tăng thu nhập cho nông dân, phát triển cây lúa gắn với tăng trưởng xanh.

Ông Huỳnh Văn Thòn trao đổi với đoàn công tác Chính phủ

Điểm nhấn quan trọng là 1 triệu ha tham gia đề án tập trung sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 77% sản lượng, tương đương 92.400 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD), còn 23% dành cho thị trường nội địa, tương đương 27.600 tỷ đồng. Ngoài sản phẩm gạo, đề án còn tạo ra lượng sản phẩm phát sinh từ quá trình sản xuất lúa gạo, như: Cám, trấu, rơm, rạ… có giá trị lên đến 30.000 tỷ đồng.

Ngày nay, với sự hỗ trợ của dịch vụ nông nghiệp cơ giới hóa, tự động hóa từ gieo sạ đến thu hoạch, đặc biệt là kết hợp máy bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân, dinh dưỡng cho cây lúa, nông dân không còn vất vả “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” như trước đây. Họ hoàn toàn làm chủ công nghệ mới, ứng dụng vào sản xuất chuyên canh lúa gạo một cách hợp lý, khoa học. Khi giá trị hạt lúa và những phụ phẩm từ cây lúa, giá trị sau hạt gạo được nâng lên, nông dân trồng lúa ở ĐBSCL sẽ sống sung túc nhờ vào cây lúa, trên mảnh ruộng của mình.

Cùng quyết tâm

Tại địa phương nổi danh “vựa lúa” như An Giang, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL của Bộ NN&PTNT được xem như “cơ hội vàng” để tỉnh tiếp tục tạo đột phá nông nghiệp.

Trước đó, tỉnh đã có bước chuẩn bị khi ký kết chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, trọng tâm là phát triển hợp tác xã (HTX) kiểu mới và xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao. Khi triển khai đề án, Tập đoàn Lộc Trời được UBND tỉnh chọn lựa với vai trò đầu tàu tiên phong, tạo động lực để DN khác cùng tham gia.

Đoàn công tác Chính phủ và tỉnh khảo sát vùng nghiên cứu lúa của Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Huỳnh Văn Thòn cho biết, DN đã xây dựng vùng quy hoạch cụ thể tham gia đề án, vấn đề còn lại là vốn tín dụng và lãi suất ưu đãi để nông dân, HTX tham gia xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Qua đó, hiện thực hóa tầm nhìn của Tập đoàn Lộc Trời là “Cùng nông dân phát triển bền vững”, cả về sinh kế cho nông dân cũng như giảm phát khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường.

Mới đây, khi dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đến thăm và làm việc với An Giang, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đến Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành (thuộc Tập đoàn Lộc Trời) đầu tiên. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh ủng hộ DN tham gia vào Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa, tạo chỗ dựa vững chắc cho ngành nông nghiệp An Giang cũng như miền Tây Nam Bộ.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT gợi mở DN quan tâm xây dựng hệ sinh thái ngành hàng lúa gạo, thay vì chỉ tập trung vào chuỗi giá trị hạt gạo. Trong đó, đầu tư nghiên cứu, tăng giá trị từ phụ phẩm ngoài gạo, sau hạt gạo, như: Sử dụng rơm trồng cây, làm thủ công mỹ nghệ; khai thác giá trị của cám, vỏ trấu; phát triển hạt gạo thành dược liệu, đem lại lợi ích sức khỏe…

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đề nghị Tập đoàn Lộc Trời liên kết chặt chẽ với nông dân, xây dựng hội quán để lắng nghe nông dân, tạo không gian hợp tác, phát triển bền vững. DN cần tích cực tham gia thành lập HTX kiểu mới, xây dựng mỗi HTX một hệ sinh thái, từ đó tăng hiệu quả sản xuất - kinh doanh, nâng cao lợi nhuận cho thành viên tham gia, tạo động lực để nông dân, HTX gắn bó lâu dài với DN.

NGÔ CHUẨN