Tiếp tục chăm lo, phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương

03/02/2021 - 06:13

 - Tiếp tục chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương là tôn chỉ, mục đích của hệ thống hội khuyến học trong tỉnh, các quỹ Khuyến học - khuyến tài, quỹ Tiếp sức tài năng An Giang đang hoạt động trên địa bàn của tỉnh.

Hội đồng quản lý quỹ Tiếp sức tài năng An Giang xét khen thưởng cho các cá nhân xuất sắc trong năm 2020

Cụ thể, ngoài hệ thống tổ chức Hội Khuyến học của tỉnh, An Giang còn có nhiều tổ chức khác, như: quỹ Khuyến tài Doãn Tới, quỹ Tiếp sức tài năng An Giang, quỹ Học bổng Nguyễn Văn Hưởng, quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại và nhiều quỹ khác chuyên chăm lo, đầu tư cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Mỗi tổ chức có một cách làm khác nhau nhưng tựu chung đều hướng đến việc chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương.

Nếu như hệ thống quỹ Khuyến học của tỉnh (có mạng lưới từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn) chuyên chăm lo công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thì quỹ Khuyến tài Doãn Tới chuyên cấp phát học bổng cho các sinh viên xuất sắc. Quỹ Khuyến tài Doãn Tới (trước đây là quỹ Khuyến học Doãn Tới có nguồn vốn ban đầu là 1 triệu USD) là quỹ của cá nhân, được hình thành trên 10 năm nay.

Hiện mỗi năm, quỹ xét cấp 20 suất học bổng cho các sinh viên xuất sắc đang học tại các trường đại học. Quỹ được hình thành từ số tiền tích lũy trong kinh doanh của vợ chồng doanh nhân Doãn Tới. Thời gian qua, hoạt động của quỹ Khuyến tài Doãn Tới trở thành niềm động viên to lớn cho các em học sinh, sinh viên nghèo có hoàn cảnh khó khăn, vượt qua mọi nghịch cảnh để vươn lên trên con đường học tập và quá trình lập thân, lập nghiệp.

Nếu quỹ Khuyến tài Doãn Tới có đối tượng chăm lo là học sinh, sinh viên thì quỹ Tiếp sức tài năng An Giang chuyên đầu tư cho đối tượng là tài năng - thông qua 3 hình thức khen thưởng, hỗ trợ và tài trợ. Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ II (2016-2020) của quỹ Tiếp sức tài năng An Giang cho thấy, chỉ tính riêng việc xét khen thưởng, tài trợ, hỗ trợ, 5 năm qua đã có 699 lượt học sinh, sinh viên, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, có nhiều đóng góp trong các lĩnh vực đời sống xã hội, trong đó có cả những hiệu trưởng, giảng viên xuất sắc, giáo viên, huấn luyện viên, nông dân, thợ cơ khí được nhận hỗ trợ, tài trợ, khen thưởng từ quỹ.

Chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, mỗi địa phương, tổ chức có những cách làm khác nhau. Nếu ở góc độ phát triển mô hình học tập thông qua các mô hình, như: dòng họ học tập, gia đình học tập thì có các địa phương: Chợ Mới, Châu Phú, TX. Tân Châu; ở góc độ xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học - khuyến tài phải kể đến huyện Thoại Sơn.

Đây là địa phương có thế mạnh trong công tác vận động xây dựng các quỹ Khuyến học trên địa bàn xã. Mới đây, tại Hội nghị thi đua cụm 8 của Hội Khuyến học Việt Nam, Thoại Sơn là đơn vị được chọn báo cáo, chia sẻ kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo thông qua đề án “Xã hội hóa hoạt động xây dựng và phát triển hệ thống quỹ Khuyến học - khuyến tài trên địa bàn huyện Thoại Sơn”.

Đề án được triển khai ngày 18-5-2019, chỉ sau 1 năm hoạt động, các nhiệm vụ và chỉ tiêu phấn đấu của đề án đã hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Cụ thể đến nay, Thoại Sơn đã có 21 quỹ Khuyến học - khuyến tài, trong đó có 17 quỹ Khuyến học - khuyến tài của 17 xã, thị trấn, 4 quỹ Khuyến học đặc thù (bao gồm: quỹ Khuyến học huyện Thoại Sơn, quỹ Học bổng Nguyễn Văn Thoại, quỹ Khuyến học - khuyến tài Trường THCS Định Mỹ, quỹ Khuyến học - khuyến tài Trường Mẫu  giáo thị trấn Núi Sập) .

“So với chỉ tiêu phấn đấu của đề án là 18 tỷ 600 triệu đồng, tính đến ngày 19-5-2020, tổng nguồn quỹ toàn hệ thống đã vượt chỉ tiêu và đạt 19 tỷ 16 triệu đồng. Nguồn lãi kết dư định kỳ hàng năm của hệ thống quỹ cùng với các nguồn quỹ học bổng của tỉnh cấp đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chi thường xuyên đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài trên địa bàn, đồng thời dành một tỷ lệ hợp lý để khen thưởng, động viên đội ngũ thầy, cô giáo trong hoạt động giảng dạy và các phong trào chuyên sâu của ngành giáo dục” - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thoại Sơn Nguyễn Khảm chia sẻ.    

Tiếp tục chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương, An Giang đang tính đến việc phân công lại hoạt động của các tổ chức xã hội chuyên chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục địa phương theo hướng tránh trùng lắp công việc lẫn nhau. Hy vọng thời gian tới, việc này sẽ sớm triển khai thực hiện để công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên địa bàn, huy động được toàn xã hội tham gia.

Bài, ảnh: MINH HIỂN