Tín hiệu tích cực từ thanh long trồng giàn

30/12/2019 - 07:45

Việc áp dụng kỹ thuật trồng giàn cho cây thanh long đã mang đến nhiều lợi ích so với kiểu trồng trụ truyền thống, như: tăng năng suất, tiết kiệm nước tưới, dễ quản lý tình trạng sâu bệnh và phù hợp với những hộ dân có đất canh tác ít.

Theo đó, mô hình thanh long trồng giàn được hình thành trên cơ sở phối hợp giữa Viện Cây ăn quả miền Nam với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) trong giai đoạn 2016-2019. Mô hình này được thực hiện tại hộ bà Nguyễn Thị Mít (xã Tân Lợi, Tịnh Biên) với diện tích canh tác khoảng 500m2. Đây được xem là hướng đi mới, phù hợp cho mục tiêu canh tác thanh long để phục vụ phát triển kinh tế gia đình và du lịch.

Ông Nguyễn Văn Sơn (Viện Cây ăn quả miền Nam) thông tin: “Thanh long vốn không còn xa lạ với người dân Bảy Núi, bởi chúng tôi đã đưa loại cây này đến đây từ năm 2011. Khi đó, thanh long ruột đỏ được trồng ở xã An Cư (Tịnh Biên) và xã Lê Trì (Tri Tôn) đã cho kết quả tốt, thích nghi cao với chất đất của vùng này. Tuy nhiên, việc canh tác theo kiểu trồng trụ truyền thống có những khuyết điểm nhất định, như: khó tỉa cành tạo tán, khó quản lý sâu bệnh cũng như không thể tăng năng suất cho thanh long. Trong khi đó, mô hình trồng thanh long trên giàn đáp ứng được những yêu cầu nói trên, giúp nông dân nâng cao thu nhập từ loại cây này”.

Thanh long trồng giàn là phương pháp được nông dân Đài Loan áp dụng rất thành công, với việc không dùng trụ như kiểu truyền thống mà sử dụng các ống nhựa tròn, không trồng theo từng trụ riêng lẻ mà thiết kế theo từng dãy, hàng kết hợp với sự chủ động tỉa cành tạo tán ngay từ đầu, giúp phòng ngừa sâu bệnh hiệu quả. Với thiết kế đơn giản, giàn thanh long có thể tháo lắp dễ dàng, nhanh gọn, giúp vườn cây thông thoáng. Khi thanh long trưởng thành có tỷ lệ cành đậu trái rất cao (khoảng 80%) trong khi kiểu trồng trụ truyền thống chỉ ở mức 20%. Đặc biệt, năng suất thanh long trồng giàn có thể đạt 60-80 tấn/ha, trong khi kiểu trồng trụ truyền thống chỉ đạt 30 tấn/ha.

Là hộ dân trực tiếp thực hiện mô hình, bà Nguyễn Thị Mít cho biết, thanh long trồng giàn mang đến hiệu quả kinh tế rất khá, nhất là với những hộ có đất canh tác ít. Hiện nay, bà Mít thu hoạch 4-5 đợt trái/năm với trọng lượng mỗi trái đạt khoảng 400-800gr. Có thời điểm, bà Mít bán thanh long cho du khách với giá 40.000-50.000 đồng/kg, thấp nhất cũng ở mức 20.000 đồng/kg. Điều làm bà cảm thấy phấn khởi nhất chính là thanh long trồng giàn dễ chăm sóc nhưng lại mang đến thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm trên diện tích đất hạn hẹp của mình.

ThS Trần Ngọc Phương Anh (Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ) thông tin: “Qua 3 năm thực hiện trồng thanh long trên giàn, chúng tôi nhận thấy những tác dụng tích cực từ mô hình này. Thực tế cho thấy, thanh long trồng giàn có quá trình sinh trưởng tốt, lợi nhuận bình quân trên 1.000m2 là 37 triệu đồng/năm, năng suất tăng 40-50% so với kiểu trồng trụ truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi cũng hỗ trợ bà Mít hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn thanh long nên đã giảm chi phí chăm sóc, tưới tiêu, tăng giá trị kinh tế cho mô hình. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp cùng các địa phương để mở rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu tiếp cận với cách trồng thanh long trên giàn của nông dân”.

Việc ứng dụng mô hình canh tác thanh long trên giàn rất phù hợp với những hộ có đất canh tác ít nằm dọc theo tuyến giao thông dẫn vào các điểm du lịch, nhằm kết hợp việc bán trái và phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Về lâu dài, mô hình cần được đầu tư, nhân rộng để phát huy tác dụng trong việc tăng nguồn thu, cải thiện đời sống nông dân.

MINH QUÂN